Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11: Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
(LĐXH)- Đây là kỳ thi kỹ năng nghề đầu tiên có nhiều đổi mới nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam tiệm cận với ASEAN và thế giới, cũng như triển khai tích cực thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) tại buổi họp báo thông báo kết quả kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, năm 2020 cho biết: Kỳ thi năm nay được tổ chức từ ngày 28/9 đến ngày 10/10; có số nghề tổ chức thi nhiều nhất từ trước tới nay, với 34 nghề (3 nghề trình diễn), trong đó có 7 nghề lần đầu tổ chức thi; đã có 290 thí sinh đạt giải trong tổng số 474 thí sinh tham gia.
Với chủ đề "Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng lao động", kỳ thi đã được lan tỏa rộng khắp và tạo hiệu ứng tích cực đối với nhận thức xã hội về học nghề và lập nghiệp dựa vào kỹ năng nghề.Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và giải Vàng, Bạc, Đồng cho các thí sinh
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, số nghề tổ chức thi là 34 nghề trong đó có 31 nghề thi chính thức và 03 nghề thi trình diễn. Trong đó, có 07 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội; Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).
Đoàn có thí sinh dự thi đông nhất là đoàn Hà Nội với 61 thí sinh tham dự ở 32 nghề; 5 nghề có thí sinh tham dự nhiều nhất là các nghề: nghề Hàn (34 thí sinh); nghề Điện lạnh (33 thí sinh); nghề Lắp đặt điện (29 thí sinh); nghề Công nghệ ô tô (28 thí sinh); nghề Cơ điện tử (26 thí sinh).
Đã có 290 thí sinh đạt giải, trong đó: 122 thí sinh đạt giải Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc; 69 thí sinh đạt huy chương Đồng; 28 thí sinh đạt huy chương Bạc, 71 thí sinh đạt huy chương Vàng và 10 Đoàn có thành tích cao nhất.
Về những điểm mới nổi bật tại kỳ thi lần này, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN) chia sẻ: 34 đề thi năm nay có độ khó, độ phức tạp và khối lượng lớn hơn các kỳ thi trước đây, có nghề gấp ba lần và tiệm cận với trình độ ASEAN và thế giới. Nếu trước đây thời gian thi từ 5-8 tiếng là tối đa, thì tại kỳ thi này các môn thi tối thiểu là 12 tiếng và tối đa 15 tiếng. Tuy nhiên, các đoàn đã tổ chức huấn luyện và chuẩn bị tốt, hầu hết các thí sinh đều làm hết bài thi, chất lượng thí sinh tương đối đồng đều, trong đó có nhiều thí sinh vượt trội, xuất sắc.
Đặc biệt, các công nghệ yêu cầu sử dụng trong đề thi năm nay hầu hết được dựa theo yêu cầu tại kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới năm 2018 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan và 2019 tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga nên việc chuẩn bị của các trường đăng cai có những khó khăn, nhất là với các nghề mới công nghệ cao như: Tự động hóa Công nghiệp, Bảo trì máy CNN, Kết nối vạn vật IOT, Phay CNN, Tiện CNN, Công nghệ ô tô... Đơn vị đăng cai phải huy động từ một số đơn vị khác nhau, hoặc phải mua sắm vật tư, vật liệu nhập khẩu nên rất khó khăn cho công tác chuẩn bị, đồng thời phải thi sớm, thi nhiều ca do thí sinh dự thi đông.
Bên cạnh công tác tổ chức thi cho các thí sinh, đây cũng là kỳ thi đầu tiên Ban tổ chức tổ chức đồng loạt các hoạt động bên lề như hội nghị, hội thảo chuyên môn về GDNN, về thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, lễ ký kết hợp tác về phát triển kỹ năng nghề với doanh nghiệp lớn, trình diễn thử các kỹ năng mới, trên công nghệ thiết bị mới, các hoạt động đối thoại hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các điểm thi thu hút nhiều nhà chuyên môn, chuyên gia giá trị cao đến từ trong và ngoài nước tọa nên một kỳ thi phong phú, đa dạng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, kỳ thi Kỹ năng năn nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước phải bỏ kỳ thi của mình, kỳ thi khu vực ASEAN cũng phải hoãn lại. Ngay kỳ thi của Việt Nam năm nay cũng phải hoãn lại nhiều lần, và có thời điểm từng phải tính tới thi trực tuyến. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ, kỳ thi năm nay đã được diễn ra và đã thành công.Phó Tổng cục trưởng Tông cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, cùng Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn Hà Thị Hải Yến trao giải nhất và Huy chương vàng cho 4 thí sinh
Theo ông Trương Anh Dũng, cả 3 mục tiêu lớn nhất đặt ra cho kỳ thi năm nay đã đạt được. Qua kỳ thi để tôn vinh lực lượng lao động trẻ có Kỹ năng nghề cao, thúc đẩy lực lượng lao động có kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, kỳ thi cũng giúp tăng cường phối hợp, liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; lựa chọn đại diện Việt Nam tham gia thi Kỹ năng nghề khu vực và thế giới. "Tôi rất mừng vì có nhiều thí sinh thi ở các ngành trọng điểm phát triển đất nước, như internet vạn vật, thiết kế trang website, phần mềm, tự động hoá, du lịch, dịch vụ… Đây đều là những ngành nghề chúng ta còn thiếu nhân lực chất lượng cao. Điều đó cho thấy đào tạo nghề đang hướng tới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và bối cảnh cánh mạng công nghiệp 4.0", ông Dũng nói.
Với mục tiêu tổ chức của một Kỳ thi “đổi mới, trong sáng, công bằng”; trên điều kiện tốt nhất về trang thiết bị hiện đại, nguyên nhiên vật liệu phù hợp, đề thi tiếp cận với đề thi của các Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, các thí sinh đã tự tin, vượt lên chính mình để hoàn thành tốt bài thi.
Có nhiều thí sinh đã thể hiện được kỹ năng nghề đỉnh cao, có bài thi xuất sắc như: em Nguyễn Sỹ Hiếu, nghề Công nghề ô tô; em Hà Như Minh, nghề Điện lạnh; em Nguyễn Văn Toàn, nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin; em Dương Văn Minh, nghề Sơn Ô tô; em Vũ Kim Thảo, nghề Công nghệ thời trang; em Nguyễn Thị Tâm, nghề Chăm sóc sắc đẹp; em Nguyễn Hoàng Sang, nghề Bảo trì máy CNC; em Vũ Tùng Lâm, nghề Điện tử; em Phạm Văn Nam, nghề Thiết kế các kiểu tóc; em Dương Thị Thùy Linh, nghề Tự động hóa công nghiệp; em Trương Thành Khang, nghề Lắp cáp mạng thông tin; em Hoàng Trần Trung, nghề Kết nối vạn vật IOT; em Huỳnh Tinh Nguyên, nghề Quản trị hệ thống mạng CNTT; em Đỗ Thị Hường, nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội.…
Các em đã thể hiện được giá trị của bản thân với nghề mình đã chọn. Điều này cũng chứng tỏ chất lượng đào tạo, công tác tổ chức ôn luyện của các thí sinh, các đơn vị, các đoàn tham gia đã chuẩn bị rất chu đáo, bài bản và có chất lượng.
Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng đánh giá, cùng với những thành công đạt được, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 đã bảo đảm được bảy giá trị cốt lõi "đa dạng, xuất sắc, công bằng, đổi mới, liêm chính, hợp tác và minh bạch". Và các chuyên gia đã duy trì được 11 phẩm chất tại một kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, đó là "liêm chính; trong sáng và minh bạch; công bằng; hợp tác; đổi mới và xuất sắc; nhân phẩm; môi trường và tính bền vững; sức khỏe an toàn và môi trường; lãnh đạo; bảo mật; tuân thủ và minh bạch"./.
PV
TAG: