An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kontum: Khởi sắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
04:31 PM 11/09/2020
Những năm qua, các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Kontum phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các ngân hàng khác triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách. Đến 31/8, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Qua từng năm, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 1.850 lao động được tạo việc làm, xây dựng gần 300 căn nhà cho hộ nghèo, gần 8.000 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt, nguồn vốn đã góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Gia đình anh A Trúc ở thôn 9, xã Đăk Ruồng - một trong những hộ gia đình đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Từ một hộ gia đình có hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất nhì trong thôn, năm 2017, sau khi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kon Rẫy, A Trúc quyết định mua hai con bò giống về nuôi. Anh A Trúc cho biết, lúc đầu quyết định việc chăn nuôi bò bản thân rất lo lắng vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhờ cán bộ chăn nuôi thú ý địa phương hướng dẫn tận tình nên bản thân anh dần tự tin hơn với quyết định của mình. Thuận lợi nữa là nguồn thức ăn cho bò lại dễ kiếm, tận dụng từ nhiều nguồn có sẵn như rơm, cỏ dại và các loại phế phẩm nông nghiệp khác nên cũng không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Nhờ đó, từ 2 con bò giống ban đầu, gia đình A Trúc dần dà gầy được đàn bò 5 con.
Anh A Trúc còn mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi chính sách khác để đầu tư cho sản xuất. Cuối năm 2019, qua tính toán thấy gia đình có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống nên anh A Trúc đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Tương tự, Chị Y Kum, sinh năm 1988, trú thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, lập gia đình năm 2006, khi mới 18 tuổi. Do không có công ăn việc làm ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào trồng cây nông nghiệp, thiếu kiến thức chăm sóc nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, khi đã có ba người con, vợ chồng chị vẫn không có của ăn, của để, gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Được sự giới thiệu và tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk La, chị đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách, vay 20 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Nhờ sự hỗ trợ của các Hội đoàn thể và quyết tâm vượt khó của mình, đến năm 2016, gia đình chị đã trả được số tiền vay trước đó, tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cải tạo và chăm sóc vườn cà phê.
“Bây giờ mình đã có 1,5 ha cây cà phê rồi, thu nhập hàng năm được trên 100 triệu đồng. Cuộc sống gia đình bây giờ sung túc hơn, xây được nhà, mua được xe, nuôi con cái ăn học và thoát được nghèo năm 2017. Mình cũng tích cực tuyên truyền cho bà con trong thôn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, chị Y Kum vui mừng nói.
Gia đình chị Y Kum (thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đã thoát nghèo năm 2017
nhờ vay vốn tín dụng chính sách để trồng cà phê
Theo ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đăk La, toàn xã có 57% là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại 6/10 thôn của xã. Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Hội, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, kinh tế của người dân trên địa bàn xã đã có những bước phát triển đáng kể.
Đến nay, trong khoảng 2.000 hộ của xã thì có trên 1.000 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng; trong đó, có 7,7 tỷ đồng cho vay nhóm đối tượng hộ nghèo, 2,7 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo và 429 triệu cho vay hộ thoát nghèo.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 16,1% từ năm 2016 xuống còn 8,97% vào cuối năm 2019. Phấn đấu đến hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của Đăk La chỉ còn 5,49%, đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Quang Thịnh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, để giảm bớt khó khăn cho bà con nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã chủ động điều chỉnh nợ đến hạn trong tháng 4/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn cho vay thu hồi để tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã giải ngân được 620 tỷ đồng cho trên 15.500 lượt hộ vay, tăng 212 tỷ đồng so với đầu năm.
“Mục tiêu của ngân hàng là từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giải ngân trên 250 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để vay vốn sản xuất, kinh doanh; trong đó trình Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung 150 tỷ đồng và 100 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng; đồng thời, tập trung tuyên truyền, lồng ghép một cách đồng bộ, hiệu quả vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác của địa phương; các chương trình, dự án khác để nguồn vốn phát huy được hiệu quả cao nhất, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, ông Chung nhấn mạnh.
Nam Khánh

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ