Kon Tum đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm
(LĐXH)-Nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm, tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tỉnh Kon Tum đã nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm một cách thường xuyên, toàn điện, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế.
Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung thiết thực. thường xuyên đổi mới nội dung phù hợp với điều kiện, yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Trong năm 2021, đã tổ chức 250 buổi truyền thông về công tác phòng, chống mại dâm với số lượt người tham gia 19.807. Trong đó, tại huyện Đak Hà là 196 buổi với 13.132 lượt người tham gia; Huyện Sa Thầy 11 buổi với 5000 lượt người tham gia; Kon Rẫy 20 cuộc với 260 lượt người tham gia; Đăk Tô 12 cuộc với 1.250 lượt người tham gia; Tu Mơ Rông 11 cuộc với 165 lượt người tham gia. Thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền qua treo 11.450 tấm Pano, áp phích, tờ rơi 11.450. Trong đó, tại huyện Đăk Hà là 564; Huyện Sa Thầy 5; Huyện Đăk Glei 24; Kon Rẫy 576; Tu Mơ Rông 847; thành phố Kon Tum 1.428; KonPlong 9; Sở Lao động -Thương binh và Xã hội 8.000 tờ. Phối hợp tuyên truyền trên Báo Trung ương, địa phương, cụ thể, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội 01 bài, 01 ảnh, dung lượng 02 trang đăng trên Tạp chí Lao động và Xã hội; Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội thành phố 07 bài, 20 tin; tuyên truyền các văn bản trong Chuyên mục pháp luật: 05 chuyên mục với thời lượng 75 phút; IaHDrai biên tập 13 tin bài, phát sóng trên đài truyền thanh truyền hình 65 phút, thiết kế 01 banner về Ngày Toàn dân phòng chống ma túy.
Tiếp theo năm 2022, hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Trung ương, hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Sở Thông tin - Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng và yêu cầu các bản tin, tạp chí trong tỉnh có nhiều tin, bài đề cập đến công tác phòng, chống mại dâm; phản ánh, tuyên truyền phòng, chống mại dâm trên các xuất bản phẩm do địa phương cấp Giấy phép xuất bản.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và lồng ghép thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, phòng, chống mại dâm trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh; kết hợp các hoạt động giáo dục phòng chống mại dâm với các hoạt động phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em và phòng chống các tệ nạn xã hội khác. Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong các cơ sở giáo dục gắn với việc xây dựng trường học an toàn, trật tự, không có tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống mại dâm thông qua các chương trình, hoạt động truyền thông về văn hóa, du lịch; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, giao ban với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức hiểu biết cho cán bộ công nhân viên trong ngành thấy được tác hại của tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng; vận động tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, phát giác, ngăn chặn với các hành vi vi phạm; phối hợp với các phòng chuyên môn, Công an tỉnh (Phòng An ninh chính trị nội bộ PA03; Phòng An ninh đối ngoại PA01), Phòng Văn hóa và thông tin các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch; chú trọng lòng ghép kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm đặc biệt ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế phối hợp Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch để quản lý chặt chẽ các đối tượng có hành vi nguy cơ cao (gái mại dâm) bằng các biện pháp tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho các đối tượng, đẩy mạnh việc cung cấp bao cao su miễn phí để dự phòng lây truyền HIV/AIDS; Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các điểm cung cấp bao cao su miễn phí tại các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke vận động chủ các nhà hàng, khách sạn tham gia tích cực vào hoạt động này.
Các cấp chính quyền huyện, thành phố xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống mại dâm, vận động cảm hóa, giáo dục, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Đồng thời phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép trong hoạt động phong trào để thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên gắn với xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống mại dâm... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa… Lồng ghép tuyên truyền phổ biến các văn bản phòng chống tệ nạn xã hội và pháp lệnh phòng chống mại dâm trong các cuộc họp tổ dân phố, thôn, làng để nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ và nhân dân đối với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm.
Thông qua hoạt động tuyên truyền góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm; gắn tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn mại dâm với các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng xã, phường lành mạnh không tệ nạn xã hội./.
Nhật Minh
TAG: