An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kon Tum chú trọng đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
01:51 PM 01/07/2024
(LĐXH) - Kon Tum là vùng đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia; diện tích tự nhiên lớn thứ 8 trên cả nước với tỷ lệ đất chưa xây dựng trên 90%, khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt thuận lợi để phát triển nông nghiệp, sản xuất và chế biến cây công nghiệp, các loại cây dược liệu quý, nhất là sâm Ngọc Linh.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân vùng DTTS và miền núi.
Ngày 05/6/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 1961 về việc “Tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Kế hoạch với mục đích triển khai thực hiện hiệu quả Nội dung số 03, Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khởi nghiệp và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 tới các đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Tỉnh Kon Tum đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược, nhất là sâm Ngọc Linh
Cùng với đó, Kon Tum còn có Quyết định phê duyệt Đề án khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là cơ hội để giúp đồng bào DTTS cải tạo diện tích cà phê xứ lạnh đã già cỗi, tăng năng suất và thu nhập. Tính đến nay, tổng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 3.380 ha. Diện tích cho thu hoạch là 2.670 ha, năng suất trung bình hơn 13 tạ tươi/ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Diện tích cà phê xứ lạnh được trồng từ độ cao 800 - 1.200m so với mặt nước biển, thuộc địa bàn 22 xã của các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Phần lớn diện tích cà phê xứ lạnh do đồng bào DTTS trồng và chăm sóc.
Ngoài ra, Kon Tum phát triển được hơn 300 hợp tác xã với trên 10.800 thành viên; trong đó, có 17,5% thành viên hợp tác xã là đồng bào DTTS. Riêng thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kon Tum đã triển khai được 15 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 108 mô hình phát triển cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các mô hình kinh tế tập thể và tạo bước đệm phát triển lĩnh vực nông nghiệp vùng DTTS.      
Hiện nay, Tu Mơ Rông là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành chính như: Chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp; là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển về các loài dược liệu trong đó có Sâm Ngọc Linh, chế biến nông lâm sản; tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS. Những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Tu Mơ Rông luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện giảm 10,50%. Trong đó, giảm 562 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 8,48%), hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 32,58% tổng số hộ toàn huyện; giảm 137 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ giảm 2,02%), hộ cận nghèo còn lại 295/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 4,18%.
Kon Tum là tỉnh có tỉ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm trên 54%. Với điều kiện kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, việc khuyến khích khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư sẽ là “bàn đạp” để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với phát huy lợi thế ngành nông nghiệp của địa phương.
Khánh Quyên
 
TAG: Chương trình MTQG 1719
Tin khác
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”