Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) TP. Hải Phòng đã có chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện các mô hình này tại địa phương thời gia qua.
Nhiều mô hình thiết thực
Theo thống kê, Hải Phòng hiện có 2.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Công an thành phố Hải Phòng xác định 02 địa bàn có nhiều tiềm ẩn về tệ nạn mại dâm là khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà.
Các lực lượng chức năng Công an thành phố đã triệt phá 56 vụ mại dâm, bắt giữ 292 đối tượng; trong đó, đã xác lập 32 chuyên án triệt xóa các ổ nhóm hoạt động mại dâm; khởi tố 52 vụ với 58 bị can; xử phạt hành chính 220 đối tượng mua, bán dâm.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, hàng năm, UBND Thành phố đều ban hành các Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm và chỉ đạo Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng các Mô hình giảm hại trong phòng chống mại dâm nhằm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2016, được sự hỗ trợ của Tổ chức UNFPA, Chi cục PCTNXH đã triển khai Mô hình “Tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS” cho phụ nữ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tại Đồ Sơn. Qua việc triển khai mô hình đã giúp cho người lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận được tiếp cận các dịch vụ và nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS.
Năm 2017, Chi cục PCTNXH triển khai mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS trong phòng, chống tệ nạn mại dâm” tại quận Hồng Bàng, huyện Kiến Thụy, việc thực hiện mô hình này đã hỗ trợ, giúp đỡ chị em được khám chữa bệnh, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm hòa nhập cộng đồng.
Năm 2018, Chi cục PCTNXH phối hợp Trung tâm Công tác xã hội triển khai Mô hình “Cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ cho người bán dâm”; qua đó đã cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội đối với người bán dâm; giới thiệu tổng đài tư vấn miễn phí 18006605 tại Trung tâm CTXH.
Năm 2019 và 2020, thành phố Hải Phòng đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thí điểm Mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” và Mô hình “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng” tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên. Trong 2 năm 2019 và 2020 đã thành lập được 02 Nhóm tự lực, hỗ trợ Nhóm thiết lập đường dây nóng, thực hiện tiếp cận được trên 600 lượt người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức 32 buổi sinh hoạt nhóm, mỗi buổi 20 người tham gia. Tổ chức 08 buổi khám sức khỏe sinh sản cho trên 200 lượt lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 22 người được học nghề ngắn hạn; trợ giúp pháp lý cho 20 người. Tổ chức 02 buổi Hội thảo kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ cho hoạt động của nhóm; 08 buổi truyền thông tại cộng đồng về giảm hại và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; 09 buổi tập huấn kỹ thuật triển khai thực hiện mô hình và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia Mô hình; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ (Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, Công ty Luật, Trường Trung cấp nghề Thăng Long) nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng cho người bán dâm, người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, địa phương
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện thí điểm mô hình xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng ở thành phố Hải Phòng, ông Lê Thanh Tùng, cho biết, để đạt được những kết quả cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp các dịch vụ trong việc tư vấn, truyền thông, y tế, pháp lý, đào tạo nghề, cho vay vốn, giúp người lao động có việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Đối với Nhóm tự lực, cần phát huy được vai trò, trách nhiệm, sự hỗ trợ nhiệt tình của mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn trong việc hỗ trợ công tác tiếp cận, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi cho người bán dâm.
Các mô hình giảm hại trong phòng chống mại dâm bước đầu thí điểm đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên để duy trì việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm một cách thường xuyên, giúp họ thay đổi hành vi, thay đổi công việc hòa nhập với cộng đồng, hàng năm cần phải có nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện.
Tại Hải Phòng, với hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, Chi cục PCTNXH thành phố Hải Phòng được cấp 900 triệu đồng để triển khai thực hiện thí điểm các mô hình, trong đó năm 2019 được cấp 300 triệu đồng để triển khai tại quận Đồ Sơn; năm 2020 được cấp 600 triệu đồng để triển khai thực hiện thí điểm tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Hải Phòng cho biết, vẫn còn có nhiều khó khăn khi xây dựng các mô hình thí điểm hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn có mặc cảm, kỳ thị với người bán dâm khi họ tham gia tổ chức các hoạt động liên quan đến mô hình thí điểm.
Việc tiếp cận người bán dâm đặc biệt là nhóm người bán dâm là nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đối với người bán dâm, tuy có nguyện vọng hoàn lương nhưng tư tưởng vẫn còn e dè, mặc cảm khi tiếp xúc với cán bộ phụ trách, triển khai nhiệm vụ ở địa phương.
Hầu hết người bán dâm là người tỉnh ngoài, không có nơi cư trú nhất định, thường xuyên di chuyển chỗ ở, do đó đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ giảm hại.
Các thành viên trong Nhóm tự lực chưa được tập huấn, đào tạo nhiều về công tác xã hội, kiến thức về y tế, tâm lý để họ tiếp cận, thuyết phục chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ hợp tác, hỗ trợ các thành viên của nhóm tự lực trong việc tiếp cận với người lao động làm việc tại cơ sở.
Khung định mức kinh tế kỹ thuật thí điểm mô hình có định mức chưa phù hợp với tình hình thực tế như kinh phí hỗ trợ học nghề còn thấp (2 triệu đồng/người/khóa học) chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người tham gia.
Chính vì vậy, ông Lê Thanh Tùng đề xuất, nâng mức hỗ trợ học nghề, vì theo khung định mức (2 triệu đồng) chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề; như: cắt may, làm tóc, trang điểm, làm đẹp.
Nhật Thy