Kim Bảng thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
(LĐXHH)-Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) luôn xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm song hành cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, huyện Kim Bảng có 12.632 người con ưu tú lên đường nhập ngũ, đã có 2.385 người anh dũng hy sinh, 1.590 người góp một phần xương máu thân thể của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc; 154 bà mẹ được phong tặng truy tặng danh hiệu cao quý mẹ Việt Nam anh hùng, 6 đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.583 thương binh, 818 bệnh binh, 567 thanh niên xung phong, 603 hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nơi chiến trường, 266 là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Kim Bảng luôn xác định việc thực hiện tốt chế độ chính sách người có công và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, "Toàn dân chăm sóc người có công", phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng là trách nhiệm tri ân với những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Chính vì vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Bảng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tập trung duy trì việc quản lý, tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Trong đó, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối tượng được ngành chức năng tại các địa phương thực hiện đảm bảo theo quy định, đúng người, đúng chế độ chính sách ban hành. Công tác quản lý và chi trả trợ cấp cho các đối tượng người có công được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định pháp luật. Đến nay, hầu hết người có công và thân nhân người có công trên địa bàn đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, qua đó, đời sống từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, trong các dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), Tết nguyên đán, cùng với các phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh Hà Nam, UBND huyện còn trích một phần kinh phí, thành lập các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Hoạt động này được coi là việc làm ý nghĩa nhân văn nhằm chăm lo đời sống, vật chất tinh thần người có công, thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Chỉ tính riêng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, huyện Kim Bảng đã tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với người có công như: tổ chức 8 đoàn đi thăm hỏi, động viên và tặng hơn 200 xuất quà mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh mất sức lao động từ 61% trở lên, bệnh binh nặng, gia đình liệt sỹ tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn. Chỉ đạo Đoàn thanh niên các xã, thị trấn tổ chức thắp nến tri ân, dâng hương tại các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của địa phương; hỗ trợ ngày công lao động làm nhà và sửa chữa nhà ở cho người có công; tu sửa, vệ sinh khu nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại địa phương...
Không chỉ chăm lo tốt đời sống vật chất, Kim Bảng còn chăm lo tốt đời sống tinh thần đối với người có công, gia đình chính sách, như tạo điều kiện cho người có công đi nghỉ tại các khu điều dưỡng, ra thăm Lăng Bác hoặc về thăm lại chiến trường xưa; triển khai cấp thẻ khám, chữa bệnh cho đối tượng người có công với cách mạng; phối hợp tổ chức nhiều đợt khám, cấp phát thuốc miễn phí cho thương binh, bệnh binh và người có công.
Bệnh binh Nguyễn Trọng Dân ở xã Thụy Lôi (huyện Kim Bảng) phấn khởi cho biết: Cứ mỗi dịp 27/7 hàng năm, các đối tượng chính sách, người có công như chúng tôi lại được các cơ quan, đơn vị về địa phương tặng quà, thăm khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn. Mỗi lần như vậy, chúng tôi được các y bác sĩ tận tình khám nội khoa, ngoại khoa, chỉ dẫn dùng thuốc đúng cách, chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để bảo vệ sức khỏe...
Tiếp đến, để giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn ở Kim Bảng còn phối hợp với Ban Giám hiệu các trường học tổ chức cho học sinh tham gia quyết dọn, vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ và tổ sinh hoạt truyền thống dưới cờ cho học sinh. Để tỏ lòng tri ân những người đã khuất, Ban thường vụ Huyện đoàn còn phát động các phong trào nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hung (hiện các mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời).
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, huyện Kim Bảng sẽ tiếp tục triển khai, giải quyết các chế độ chính sách theo quy định cho người có công; làm tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nghĩa tình, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách trên địa bàn.
Chí Tâm
TAG: