Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Khoảng 5.000 lao động ở Lào Cai bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19
03:26 PM 01/09/2021
(LĐXH)- Trong 8 tháng năm 2021, Lào Cai có khoảng 5.000 lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tỉnh còn có khoảng 9,4 nghìn công dân từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương, trong đó trên 80% là lao động bị mất việc làm do dịch bệnh.
Tác động tiêu cực đến sinh xã hội của người lao động
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có tiềm năng, lợi thế về du lịch, công nghiệp khai khoáng và xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế giáp biên với Trung Quốc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hiện nay, Lào Cai đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện nhiều các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: lập các chốt kiểm soát dịch bệnh (đã thành lập 10 chốt kiểm soát y tế tại các cửa ngõ đường bộ vào địa bàn tỉnh; 54 chốt và 33 tổ tuần tra lưu động dọc tuyến biên giới với Trung Quốc và thành lập 1.523 tổ Covid-19 cộng đồng); tăng cường tuyên truyền, xử phạt hành chính; nêu cao tình thần phát giác của người dân...
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai, cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải đóng cửa, dừng hoạt động; ngành nghề dịch vụ - du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng khách du lịch sụt giảm; việc kiểm soát người, hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới siết chặt, hạn chế trong kinh doanh vận tải, hành khách... Do đó đã dẫn đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở Lào Cai vẫn hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động
Tính đến cuối tháng 8/2021, tỉnh Lào Cai có 3.563 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 55% tống số doanh nghiệp đăng ký; có 32 doanh nghiệp giải thể (tăng 33,3% so với cùng kỳ), 246 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, (tăng 12,8%).
Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ du lịch đều hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoạt động; các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khác đều thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; doanh thu bình quân của các hợp tác xã đang hoạt động (309 hợp tác xã) giảm khoảng 15%.
Bên cạnh đó, đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, homstay, hướng dẫn viên tự do, làm tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ... hầu hết bị mất việc làm trong khoảng thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15/CT-TTg.
Theo đánh giá, phần lớn mức thu nhập bình quân của người lao động tự do ở Lào Cai là khá thấp, khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, dẫn đến thu nhập bị sụt giảm, thậm chí mất nguồn thu nhập, đặc biệt đối với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai trong 8 tháng năm 2021 cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 5.000 lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tỉnh còn có khoảng 9,4 nghìn công dân từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương, trong đó trên 80% là lao động bị mất việc làm do dịch bệnh.
Tiếp đó, do tác động của dịch bệnh covid-19, vấn đề an sinh xã hội của người lao động cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải nợ, chậm đóng BHXH. Tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh tổng có 874 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 88,904 tỷ đồng, tăng 4,623 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nợ BHXH là 74,079 tỷ đồng, nợ BHTN là 3,805 tỷ đồng, BHYT 13,045 tỷ đồng. Ngoài ra, do doanh nghiệp phải dồn nguồn lực cho việc cầm cự, phục hồi sản xuất nên vấn đề chế độ, quyền lợi của người lao động cũng không được đảm bảo.
Chủ động ứng ngân sách hỗ trợ người lao động
Đánh giá về những kết quả đạt đạt trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đinh Văn Thơ, cho biết: Đến nay, Lào Cai đã chủ động tạm sử dụng nguồn cải cách tiền lương ngân sách tỉnh năm 2021 bổ sung cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để chi trả, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nhanh chóng, quyết liệt với sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trên toàn tỉnh.
“Đặc biệt, việc rà soát, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hỗ trợ được 11/12 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68 với phương châm giải quyết nhanh chóng, không để tình trạng dồn hồ sơ. Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn thường xuyên tham vấn, nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc triển khai thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường tuyên truyền, rà soát, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt” – Phó Giám đốc Đinh Văn Thơ, thông tin.
Tính đến cuối 8/2021, trong tổng số 12 nhóm đối tượng đã có 11/12 nhóm phát sinh hồ sơ, tổng số có 2.620 đối tượng được hỗ trợ với kinh phí hơn 11,157 tỷ đồng; riêng nhóm 3 là hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động chưa phát sinh hồ sơ. Trong đó, chính sách về bảo hiểm (giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất) đã hỗ trợ cho hơn 25 nghìn lao động với số tiền trên 9,8 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt (từ nhóm 4 - 10 và nhóm 12 đã hỗ trợ cho 1.259 lao động với số tiền là trên 2 tỷ đồng. Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho 22 lao động với số tiền là trên 77 triệu đồng.
Cụ thể, Lào Cai đã thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nhóm 1) cho 1.359 đơn vị (tỉnh từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022, tương ứng với 25.712 lao động, kinh phí tạm tính hơn 8,9 tỷ đồng. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (nhóm 2) cho 02 đơn vị, kinh phí giảm 128,526 triệu đồng.
Đối với nhóm 4, tỉnh đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 67 lao động, kinh phí 220,745 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động ngừng việc (nhóm 5) cho 50 người, kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (nhóm 6) cho 01 người, kinh phí 3,71 triệu đồng.
Lào Cai cũng đã hỗ trợ bổ sung và trẻ em (nhóm 7) cho 90 đối tượng, kinh phí 90 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (nhóm 8) đối với 730 đối tượng, kinh phí 1.026,12 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ đối với đạo diễn, nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ và hướng dẫn viên du lịch (nhóm 9) cho 44 người, kinh phí 163,24 triệu đồng (diễn viên, nghệ sỹ 41 người và 03 hướng dẫn viên du lịch). Hỗ trợ hộ kinh doanh (nhóm 10) cho 51 hộ, kinh phí 153 triệu đồng. Hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh (nhóm 11) cho 02 đơn vị, 22 người lao động, số tiền 77,796 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (nhóm 12) đối với 202 lao động, kinh phí hỗ trợ 301,4 triệu đồng.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật