Khó khăn trong công tác giảm nghèo và một số định hướng
(LĐXH) - Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam còn là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhâp, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Giai đoạn 2016 – 2020, Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 93.000 tỷ đồng. Một số địa phương có tỉ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015 - 2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỉ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Bên canh đó, chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đặt ra nên việc thoát nghèo không bền vững, người dân dễ tái nghèo.
Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn: Mức vốn bố trí cho các công trình cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Suất đầu tư trong Chương trình còn thấp, chưa tập trung hỗ trợ đủ mạnh để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo,người dân trên địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bên lề Hội nghị Tổng kết công tác Giảm nghèo 2016-2020
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả. Các địa phương chưa thực hiện cơ chế tạo việc làm công trong các công trình cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc “xã có công trình, người dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”. Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp, vai trò làm chủ đầu tư thực chất của xã còn nhiều hạn chế.
Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao. Tại một số địa bàn (đặc biệt ở vùng miền núi DTTS), hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn khó thực hiện. Việc hướng dẫn và triển khai chương trình, chính sách còn chậm; văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình chậm ban hành dẫn đến việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở còn chậm. Một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.
Ngoài ra, tình hình thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động… Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và phát huy tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở khu vực địa bàn nghèo, khu vực đặc biệ khó khăn.
Đại biểu các Bộ, ngành tham dự Hội nghị tổng kết công tác Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào “thoát nghèo” sâu rộng trên phạm vi cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo.
Trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030 theo hướng kiên quyết loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả; tích hợp chính sách, hỗ trợ có điều kiện. Xây dựng chuẩn nghèo mới có tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu vì Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, sai phạm.
Nam Khánh
TAG: