An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khánh Hoà: Tập trung nguồn lực đầu tư các huyện nghèo phát triển bền vững
04:34 PM 02/03/2023
(LĐXH) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững. Trên tinh thần đó, tỉnh Khánh Hòa xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, không dàn trải, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho thấy, trên địa bàn tỉnh có trên 72.000 nhân khẩu là đồng bào DTTS, thuộc 35 thành phần dân tộc. Trong đó, theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, tại địa phương có 3 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, gồm: Raglay, Ê Đê, Cơ Ho - Trin. Đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống tập trung chủ yếu tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh. Theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là huyện nghèo 30a.

Căn cứ các chương trình, chính sách của Trung ương, các sở, ngành liên quan đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện. Qua đó, đã huy động nguồn lực đầu tư, cả hệ thống chính trị và người dân tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các chính sách chung, Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để đầu tư, hỗ trợ địa bàn khó khăn của tỉnh. Tính từ năm 2016 đến nay, Khánh Hoà đã lồng ghép nguồn vốn đầu tư các chương trình, chính sách và huy động xã hội hơn 424 tỷ đồng để phát triển KT-XH, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, thực hiện nhóm “Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; đầu tư phát triển bền vững” theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung đầu tư cho hai huyện nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được hơn 280 tỷ đồng để đầu tư phát triển cho hai địa phương này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành 4 dự án bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11//2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo

Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội khác, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh giảm còn 25,09%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vùng bình quân đạt 8,9%/năm; thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2021 đạt trên 14 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011. Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt 10/19 tiêu chí, 3 xã đạt trên 15/19 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước.

Hỗ trợ người nghèo vay vốn, có điều kiện vươn lên thoát nghèo

Do vẫn được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù huyện nghèo 30a (giai đoạn 2021 - 2030), thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Khánh Hòa, Hội đồng nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành hỗ trợ hai huyện này. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ cho hai huyện trong phòng, chống thiên tai và thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế miền núi. Đến thời điểm này, huyện Khánh Sơn đã rà soát và kiến nghị đầu tư xây 6 công trình thuộc lĩnh vực (nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, y tế), 3 công trình giao thông... Địa phương đề xuất hỗ trợ kinh phí hơn 29,6 tỷ đồng xây mới 742 căn nhà và hơn 15,1 tỷ đồng để giúp sửa chữa 759 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 12,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất cho người dân. Huyện Khánh Vĩnh cũng đề xuất thực hiện 10 công trình khắc phục hậu quả thiên tai với tổng nhu cầu vốn hơn 90 tỷ đồng; 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tổng nhu cầu vốn hơn 199 tỷ đồng; 6 công trình hệ thống nước sạch, tổng nhu cầu vốn 35,5 tỷ đồng; 2 công trình thiết chế văn hóa, tổng nhu cầu vốn khoảng 44 tỷ đồng…

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hoà sẽ xây dựng, bổ sung các chính sách phù hợp, bố trí đủ vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm dần các chính sách mang tính hỗ trợ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo; chuyển sang đầu tư phát triển, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng… Tỉnh giao các địa phương khẩn trương rà soát lại số hộ nghèo không thể thoát nghèo (đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh tật, neo đơn…) để tách riêng và có chính sách hỗ trợ thường xuyên; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể trong vận động người dân tham gia các chính sách tạo việc làm; rà soát và chỉ đạo cấp xã xây dựng kế hoạch hành động về giảm nghèo đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp cho từng địa phương. Tất cả các giải pháp hướng đến mục tiêu đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh không còn hộ nghèo, thoát khỏi huyện nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững