An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
05:27 PM 12/11/2024
(LĐXH)- Trong những năm gần đây, nhiều thanh niên ở vùng nông thôn Thường Tín, Hà Nội đã tham gia các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương, tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để phát triển các ngành nghề truyền thống. Điển hình là câu chuyện của anh Phạm Tuấn Duy – một thanh niên đam mê với nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ, đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để khởi nghiệp và tạo việc làm cho gia đình.
Cơ hội từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội
Phạm Tuấn Duy, 30 tuổi, lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, nơi nổi tiếng với những sản phẩm đồ gỗ tinh xảo. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vì đi học tiếp, anh Duy quyết định theo đuổi nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, thách thức về vốn đầu tư và quy mô sản xuất đã khiến anh băn khoăn về việc phát triển nghề nghiệp tại quê hương.
Sau khi tham khảo nhiều nguồn và nhận được sự động viên từ Đoàn thanh niên xã, anh Duy quyết định vay vốn từ NHCSXH huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Đây là nguồn vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống. Anh Duy đã được vay 100 triệu đồng để cải tạo nhà xưởng, đầu tư mua thêm máy móc, dụng cụ sản xuất, và thuê lao động.
Anh chia sẻ: “Nguồn vốn từ NHCSXH đã thực sự giúp tôi hiện thực hóa ước mơ, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ có vốn vay, tôi có thể đầu tư máy móc, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.”

Anh Phạm Tuấn Duy đang giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đã hoàn thiện tại xưởng sản xuất

Tạo việc làm cho gia đình và người lao động địa phương
Với nguồn vốn đầu tư, anh Duy đã tạo dựng một xưởng sản xuất ngay tại nhà, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ chất lượng cao và mở một gian trưng bày và bán các sản phẩm đã hoàn thiện từ đồ thờ, đồ lưu niệm, bộ cờ vua, mành gỗ đến các mặt hàng đồ gia dụng như bút gỗ, hộp đựng trang sức, hộp đựng tăm... Các mặt hàng xưởng sản xuất rất đa dạng ngoài làm theo đơn đặt hàng, anh Duy còn phát triển các mặt hàng mới theo thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, xưởng của anh có 06 lao động chính là các thành viên trong gia đình và một số người dân ở gần. Nhờ có việc làm ổn định, gia đình anh không chỉ có thêm thu nhập mà còn gắn bó hơn với nghề.

Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Thường Tín, anh Duy đã mở thêm được phòng trưng bày và bán các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ do xưởng sản xuất

Ngoài ra, xưởng gỗ mỹ nghệ của anh còn thu hút sự quan tâm của một số thanh niên trong vùng, tạo cơ hội để họ học hỏi và có thêm thu nhập. “Chúng tôi rất vui vì không chỉ gia đình tôi, mà nhiều bạn trẻ trong xã cũng có cơ hội học nghề và kiếm thêm thu nhập từ xưởng của mình. Hy vọng trong tương lai, khi mở rộng sản xuất, tôi có thể tuyển thêm người và phát triển thị trường,” anh Duy bày tỏ.
Phát triển bền vững và định hướng tương lai
Với thành công bước đầu, anh Duy đang lên kế hoạch mở rộng sản phẩm, không chỉ dừng lại ở các mặt hàng trang trí nội thất, đồ gỗ lưu niệm mà còn đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu và thu hút khách hàng mới. Anh cũng hy vọng sẽ phát triển thêm thị trường online để mở rộng đối tượng khách hàng, tiếp cận các vùng miền khác.
Câu chuyện của anh Phạm Tuấn Duy là một minh chứng rõ nét cho sự hỗ trợ hiệu quả từ NHCSXH trong việc giúp thanh niên nông thôn phát triển nghề truyền thống. Qua đó, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm cho địa phương, thúc đẩy kinh tế gia đình và cộng đồng.
Thu Hiền
TAG: phát triển ngành nghề truyền thống nghề đồ gỗ mỹ nghệ xã Nhị Khê
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật