Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Kết quả tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở Ninh Bình
06:57 PM 30/05/2022
(LĐXH)-Trong năm 2021, trên địa tỉnh Ninh Bình chưa xảy ra vụ buôn bán người nào. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tiềm ẩn các điều kiện, yếu tố phức tạp do nhận thức, đời sống của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, khó khăn, việc làm cho thanh niên ở khu vực miền núi, vùng nông thôn còn thiếu, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đây là những nơi mà tội phạm mua bán người thường lợi dụng dể dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có một số người nước ngoài đến địa bàn tỉnh sinh sống, du lịch cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm này.
Ngay từ đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch về việc triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2021. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, hỗ trợ khi có nạn nhân bị mua bán trở về, năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; công tác phòng, chống mua bán người và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho trên 310 đại biểu là cán bộ và người dân tại 2 xã Yên Thành và Yên Mỹ, huyện Yên Mô; cấp kinh phí hỗ trợ 2 xã thực hiện 60 lượt tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên hệ thống đài truyền thanh xã; cấp phát 7.000 tờ rơi cung cấp kiến thức về phòng, chống mại dâm, mua bán người cho cán bộ và người dân tại cộng đồng. Sở hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2021 bằng nhiều hình thức như: Thực hiện viết 104 tin, bài tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã với các nội dung tuyên truyền về dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, tuyên truyền về đường dây nóng tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111); tuyền truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm; chăng treo 186 băng zôn; sửa chữa, làm mới 88 pano, khẩu hiệu, cấp phát 4.500 tờ rơi…
 S Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp và hỗ trợ kinh phí cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, công đoàn viên chức tỉnh tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho trên 760 đại biểu là nữ thanh niên, hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động và đoàn viên công đoàn; phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng 01 phóng sự tuyên truyền công tác phòng, chống mại dâm và phòng, chống mua bán người trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh.
Một diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp cho chị em phụ nữ và người dân xã Yên Thành, huyện Yên Mô các kỹ năng phòng tránh tội phạm mua bán người và các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bên cạnh đó, trong năm 2021, các Sở, ban, ngành đoàn thể đã phối hợp tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể như, các đơn vị Công an trong tỉnh đã xây dựng, đăng 87 tin, bài trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, hệ thống đài truyền thanh các cấp; in, cấp phát 10.000 tờ rơi, chăng treo 750 băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức 1.000 lượt tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường chính, khu đông dân cư; phối hợp với các cơ quan doanh nghiệp tổ chức hội nghị tuyên truyền lồng ghép các nội dung phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và các biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người, thu hút 17.121 đại biểu là cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân tham gia.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ về pháp luật và công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức 5 lượt tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, thị trấn để vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật, âm mưu thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy…
Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phươn. Đã có 20 tin, bái báo viết về phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Sở; thường xuyên rà soát 2.000 trang thông tin điện tử co chủ sở hữu là người Ninh Bình, đến nay chưa phát hiện trang thông tin điện tử lợi dụng hoạt động để mua bán người.
 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đăng 15 tin, bài tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên Website của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và cử gần 1.300 lượt cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp dự sinh hoạt với Ban công tác mặt trận khu dân cư kết hợp tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các kiến thực phòng, chống mua bán người, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổ chức 02 lớp tập huấn cho trên 400 đại biểu là cán bộ mặt trận các cấp trong tỉnh về nội dung công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, xác minh bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã tổ chức 351 buổi tuyên truyền lồng ghép các nội dung phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người thu hút 17.550 lượt người tham dự; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua Trang thông tin điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 310 trang facebook, 539 nhóm zalo của Hội; biên soạn và cấp phát hơn 7.000 bộ tài liệu, sách, tờ gấp, pano, banner, chăng treo 750 panoo, băng zôn, khẩu hiệu, viết 598 tin, bài phóng sự tuyên truyền lồng ghép các nội dung về phòng, chống tệ xã hội, phòng, chống mua bán người, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xây dựng gia đình hạnh phúc trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”,…
Nhằm thực hiện công tác phòng, chống mua bán người có hiệu quả, nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ kịp thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thống kê và tổ chức tiếp nhận số nạn nhân bị mua bán trở về. Đáng mừng là tính đến ngày 14/12/2021, toàn tỉnh chưa phát hiện có trường hợp nạn nhân bị mua bán. Ninh Bình cũng chú trọng đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất thực hiện khi tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh bố trí phòng ở trên cơ sở vật chất hiện có của Trung tâm với công suất khả năng tiếp nhận được từ 18-24 người trên 01 lượt; cử 04 cán bộ để thực hiện nhiệm vụ gồm: 01 y tế. 02 tư vấn cộng đồng trợ giúp nạn nhân, 01 nuôi dưỡng.
 Có thể nói, trong năm qua, công tác phòng, chống mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai các hoạt động. Ngân sách địa phương đã bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện. Các hoạt động tuyên truyền đã được triển khai bằng nhiều hình thức, đổi mới về nội dung, đi sâu, đí sát với thực tế, coi việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mua bán người phải đi từ cơ sở gia đình, cụm dân cư, làng, xóm, tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm phòng, chống mua bán người, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trong năm 2022, tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 35/KH-LĐTBXH ngày 11/5/2021 về việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tỉnh thực hiện là đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng. Tổ chức các hoạt động tiếp nhận, xác minh nạn nhân và thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong điều tra, khảo sát, rà soát, thống kê, xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Thực hiện quy trình hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng, nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững, đặc biệt là trẻ em bị mua bán.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với việc thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội, các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác như: dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, việc làm… Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý Nhà nước, công tác xã hội để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người tại địa phương và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng./.

Mỹ Hạnh



TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái