Kết quả công tác cai nghiện và quản lý lý sau cai nghiện ở tỉnh miền Tây Hậu Giang
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Hậu Giang luôn tập trung cho mục tiêu giúp người nghiện được tiếp cận với môi trường điều trị cai nghiện an toàn, thân thiện, hiệu quả, hướng tới giúp người nghiện từ bỏ ma túy và không tái nghiện trở lại, hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Theo khảo sát và thống kê, đến 14/12/2024, tại Hậu Giang, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy đang được quản lý là 328 người, tăng 114 người; số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 399 người, trong đó có 393 nam và 6 nữ, giảm 357 người so với cùng kỳ (399/756).
Đáng chú ý là số người sử dụng ma túy dạng heroin, cần sa ngày càng ít đi và thay vào đó số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều. Cụ thể, trong số người nghiện có 345 người (chiếm 86,47%) dùng ma túy tổng hợp, 52 người (chiếm 13,03%) dùng heroin, 02 người dùng cần sa (chiếm 0,5%).
Trên cơ sở Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu và ban hành trên 25 văn bản triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
Sở LĐTBXH cũng phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nội bộ và đến người dân được 782 cuộc với 32.464 lượt người tham dự; phát thanh được 426 cuộc với 2.696 phút tuyên truyền về tác hại của các loại tệ nạn xã hội. Phối hợp với Báo Hậu Giang xây dựng đăng tải chuyên mục chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy (đăng 20 kỳ); Phối hợp với Đài Truyền hình Hậu Giang xây dựng và phát sóng phóng sự tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; cấp phát 19.075 tờ rơi tuyên truyền về chính sách pháp luật phòng ngừa nghiện ma túy; cấp 300 quyển tài liệu chuyên môn "Hệ thống các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 -2025" cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại địa phương. Tổ chức 08 hội nghị triển khai chuyên đề về chính sách pháp luật phòng ngừa nghiện ma túy tại 8 đơn vị cấp huyện với 240 đại biểu là cán bộ ấp/khu vực, người đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy tại cộng đồng. Phối hợp tổ chức 25 buổi đối thoại trực tiếp triển khai chính sách hỗ trợ người nghiện và gia đình người nghiện với 757 lượt người dự. Phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền phòng chóng ma túy trong học đường được 107 cuộc với 25.412 thầy cô giáo và các em học sinh tham dự (trong đó, đã tổ chức 17 cuộc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 2.250 lượt học sinh và thầy cô giáo tham dự).
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Sở đã chủ động tổ chức 03 cuộc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về và công tác xây dựng xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn của 8/8 đơn vị cấp huyện; Phối hợp tham gia thành viên Đoàn Thanh tra của Công an tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương có sự quan tâm, trách nhiệm trong việc quản lý đối tượng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ở lĩnh vực cai nghiện ma túy và công tác xây dựng xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm.
Đối với công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, hiện nay, số người nghiện của tỉnh (bao gồm cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập) được gửi điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ.
Đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Y tế và UBND cấp huyện đôn đốc triển khai thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định Luật phòng, chống năm 2021. Đến 12/2024, tỉnh Hậu Giang có 07/08 đơn vị cấp huyện công bố có cơ sở công lập đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (tăng 04 đơn vị so với năm 2023) và 89/89 đơn vị, cơ sở y tế, đạt 100% đã được công bố cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, 8/8 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều bố trí 01 cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Ở cấp xã đã xây dựng mới được 01 mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện tại các địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy (nâng tổng số mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện lên 32 Đội). Sở LĐTBXH cũng chỉ đạo tiếp tục củng cố duy trì hoạt động 04 Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy (gọi tắt Điểm tư vấn) đặt tại Trạm Y tế các đơn vị Phường IV, Phường Thuận An, thị trấn Bảy Ngàn và xã Vị Thanh; kiện toàn 75/75 Tổ công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, trong năm, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ra Quyết định công nhận cho 75 đơn vị cấp xã thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm năm 2024 (tăng 01 đơn vị so với năm 2023).
Với việc triển khai thực hiện công tác cai nghiện, trong năm 2024, số người nghiện ở Hậu Giang được tiếp nhận và cai nghiện là 192 người. Trong đó có 166 học viên cai nghiện bắt buộc (gồm 03 người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, 163 học viên từ 18 tuổi trở lên và 26 học viên từ 18 tuổi trở lên cai nghiện tự nguyện.
Hiện nay, tổng số học viên cai nghiện của Hậu Giang đang được quản lý đến 14/12/2024 là 216 người. Trong đó cả 216 người là cai nghiện bắt buộc, gồm 03 học viên từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, 213 người học viên từ 18 tuổi trở lên.
Bên canh đó, trong năm 2024, 07 đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng đã tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cho 103 người. Trong đó: có 52 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; 51 đang điều trị methadone tại cộng đồng.
Đồng thời, tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực quản lý chặt chẽ các đối tượng sau khi hoàn thành quá trình cai nghiện. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 84 người được quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng và đáng mừng là có 81người được hỗ trợ về việc làm, vay vốn.
Nhìn chung, trong năm, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy đạt 86,47% (345/399), vượt 6,47% so với chỉ tiêu; số người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 43,73% (129/295), vượt 3,73% so với chỉ tiêu đề ra.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2025, tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người lồng ghép trong cộng đồng, khu dân cư. Đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức và duy trì thường xuyên ít nhất 01 hình thức tuyên truyền trên địa bàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng tác viên, tuyên truyền viên, Đội hoạt động xã hội tình nguyện, điểm tư vấn, câu lạc bộ trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương và nạn nhân bị mua bán trở về, tạo sinh kế tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị Quyết số 07/2023/NQ- HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi và một số nội dung, mức chi thực hiện công tác áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm hằng năm. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình người nghiện và việc thực hiện công tác nghiện, quản lý sau cai, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm tại địa phương./.
Mỹ Anh