An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kết quả bước đầu thực hiện thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt ở Lạng Sơn
09:52 AM 30/06/2021
(LĐXH) - Lạng Sơn là một trong các địa phương đầu tiên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn thí điểm triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cùng với Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực để đưa chính sách này vào cuộc sống, góp phần bảo cho đối tượng hưởng chế độ, chính sách an sinh xã hội đúng, đủ, kịp thời với quy trình chi trả đơn giản, phù hợp với từng đối tượng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn, tính đến hết tháng 12/2020 trên địa bàn tỉnh có 20.375 đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, chiếm 2,58% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng là 212 trẻ, chiếm gần 1% tổng số trẻ em toàn tỉnh; người từ 16 đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ là 59 người; người bị nhiễm HIV gia đình thuộc hộ nghèo 18 người; người đơn thân nghèo đang nuôi con 1.116 người; người cao tuổi 8.906 người; người khuyết tật 10.064 người; gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi 108 hộ; gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người cao tuổi 02 hộ; gia đình nhận nuôi dưỡng người khuyết tật 21 hộ; hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng 2.390 hộ; nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng 17 hộ; đối tượng khác 09 người; nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội 101 người.
Việc chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội ở Lạng Sơn hiện nay chủ yếu vẫn bằng tiền mặt. Việc này sẽ có được thay đổi trong thời gian tới.
Để tìm các giải pháp chi trả an sinh xã hội thuận tiện, nhanh chóng, giúp cho người nghèo và các đối tượng trợ xã hội tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ tháng 8/2016 trên địa bàn 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng thông qua hệ thống Bưu điện theo Quyết định số 852/QĐ-UBND của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án 852). Tính đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 20.375 đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống Bưu điện, gồm: trợ cấp cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi con, đối tượng nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng… Tổng kinh phí chi trả trợ cấp năm 2020 là 108.626 triệu đồng, mọi chế độ được chi trả đảm bảo nhanh gọn, kịp thời.
Từ những kết quả của Đề án 852, ngày 8/3/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND thực hiện thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc thực hiện thí điểm sẽ được triển khai trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc từ tháng 04 đến tháng 12 năm 2021.
Để triển khai kế hoạch, đầu tháng 4/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý lựa chọn Bưu điện tỉnh Lạng Sơn là tổ chức cung cấp dịch vụ thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Sở cũng phối hợp với UBND 2 địa phương và Bưu điện tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan tiến hành các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về thay đổi phương thức chi trả chính sách an sinh xã hội từ phương thức chi trả bằng tiền mặt, thủ công truyền thống sang phương thức chi trả không dùng tiền mặt; chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng tài liệu, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về công tác này. Đồng thời xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả không dùng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa các phương thức chi trả (qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số hoặc tiền mặt...) và đảm bảo mạng lưới điểm chi trả tại cấp xã. Đối với các đối tượng đặc biệt (ốm đau bệnh nặng, không thể đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp đặc biệt khác) tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả tại nhà cho đối tượng. Chuẩn bị dịch vụ đáp ứng yêu cầu chi trả trên cơ sở hình thức chi trả mà đối tượng hưởng lợi lựa chọn.
Song song tuyên truyền các nội dung, tiện ích của việc chuyển đổi chi trả không dùng tiền mặt cho người dân trên các phương tiện truyền thông xã, phường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật bổ sung CMND/CCCD, số điện thoại và tình hình biến động của đối tượng; tổng hợp danh sách đăng ký phương thức nhận chi trả và thông tin cá nhân của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội để thực hiện việc mở tài khoản cho phù hợp.
Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn, là một chính sách mới, một trong những khó khăn trong triển khai thí điểm mô hình này là các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên. Do đó, số đối tượng đủ điều kiện nhận trực tiếp còn thấp mà thường thông qua người uỷ quyền. Trong khi các trường hợp ủy quyền lại phải qua các bước thực hiện nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại làm căn cước công dân.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với các ngành liên quan từng bước tháo gỡ  khó khăn nhằm đem lại lợi ích tối đa cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, bảo đảm hiệu quả cao nhất theo đúng mục tiêu đã đề ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Trần Diễn
TAG:
Tin khác
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân