An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An): Nhiều cách làm hay trong phát triển BHXH tự nguyện
03:35 PM 09/11/2020
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang dẫn đầu cả nước về số người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, Yên Thành tuy còn nhiều khó khăn hơn một số địa phương khác trong tỉnh nhưng lại là huyện có số người tham gia BHXH tự nguyện cao nhất. Kết quả đó có được từ nhiều cách làm hay, hiệu quả, cùng sự yêu nghề, nhiệt huyết của đội ngũ tuyên truyền viên nơi đây.
Thấy được lợi ích, vui vẻ tham gia
Trong cái nắng hanh vàng đầu đông, chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Loan (58 tuổi) ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Giống như nhiều hộ dân ở đây, gia đình bà sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, bà Loan chia sẻ, năm 2001, bà có tham gia bảo hiểm nông dân (của Hội Nông dân tỉnh) để mong có thêm thu nhập lúc tuổi già. Nhưng năm 2008, loại hình bảo hiểm này không còn. “Lúc đó, nhiều người trong vùng tham gia bảo hiểm nông dân như tôi nhanh chóng đưa ra quyết định nhận chế độ 1 lần. Tuy nhiên, nghĩ đến mục đích ban đầu của mình, tôi bàn với chồng không làm như vậy mà đợi để tham gia nối tiếp một loại bảo hiểm khác. Năm 2009, biết đến BHXH tự nguyện với nhiều quyền lợi, ưu đãi, có sự đảm bảo lâu dài hơn nên tôi đã quyết định tham gia”- bà Loan tâm sự.
Đặc biệt, năm 2016, nhà nước có chính sách cho phép người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu cho đủ đóng đủ 20 năm để có thể nhận lương hưu sớm, bà Loan đã tích góp đóng hơn 3 năm còn thiếu theo hình thức này và cuối năm 2017, bà đã được nhận tháng lương hưu đầu tiên khi tròn 55 tuổi - đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu đối với nữ.
“Tính ra lợi lắm, trước tôi tham gia BHXH nông dân có 20.000 đồng/tháng, sau đóng BHXH tự nguyện gần 300.000 đồng/tháng mà khi về hưu số tiền tôi nhận được mỗi tháng là 550.000 đồng. Số tiền đó tuy không nhiều nhưng cũng giúp tôi trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, với tấm thẻ BHYT được hưởng quyền lợi đến 95% chi phí khi đi khám chữa bệnh cũng giúp tôi yên tâm nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Hiện, tôi vẫn sử dụng tấm thẻ này thường xuyên để khám chữa bệnh tiểu đường”- bà Loan tâm sự.
Vợ chồng anh Nguyệt Việt Long nghe tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện
Khác với bà Loan, những người đã biết và hưởng thành quả từ việc tham gia BHXH tự nguyện, vợ chồng anh Nguyễn Việt Long (57 tuổi, xã Viễn Thành) đang nỗ lực, chắt chiu từng ngày để tham gia BHXH tự nguyện.
Gia đình anh Long thuộc hộ cận nghèo. Anh chị đang phụng dưỡng mẹ già và nuôi 5 người con tuổi ăn học. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy rào ruộng, chăn nuôi gà cùng tiền công làm thợ hồ của anh Long. Kinh tế gia đình khó khăn nên khi được mời tham dự một cuộc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện của BHXH huyện tổ chức tại UBND xã anh thấy đây là một chính sách hay, có lợi về tích luỹ, bảo đảm cho tương lai, hộ cận nghèo còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng nên anh quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng với mức hơn 130.000 đồng/người/tháng.
“Để có số tiền này, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm những khoản chi tiêu không cần thiết cho bản thân mình. Ngoài ra, vợ tôi, hàng ngày cũng sắp xếp thời gian để bắt con cua, con ốc bán kiếm thêm thu nhập. Tuy phải tiết kiệm, vất vả hơn một chút nhưng vợ chồng tôi vẫn thấy vui và an tâm vì những lợi ích to lớn của chính sách BHXH tự nguyện mà chúng tôi sẽ được hưởng trong nay mai” - anh Long chia sẻ.
Lan toả chính sách, tạo dựng niềm tin
Bà Loan, vợ chồng anh Long chỉ 3 trong hàng chục nghìn người đang thụ hưởng và tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Yên Thành, cho thấy chính sách này ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân, người lao động.
Tính đến hết tháng 10/2020, toàn huyện Yên Thành có 13.970 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 4.900 người so với năm 2019, đạt 128,2% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Con số này chiếm 8,17% lực lượng trong độ tuổi lao động của huyện, vượt 7% theo mục tiêu của Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của  Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Dự kiến hết năm 2020, Yên thành sẽ có khoảng 15.000 người  tham gia BHXH tự nguyện.
Với thành tích này, Yên Thành đang là huyện dẫn đầu trong tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đưa Nghệ An thành tỉnh có người tham gia BHXH tự nguyện lớn nhất toàn quốc.
Đạt kết quả đó, với vai trò nóng cốt, thời gian qua, BHXH huyện đã chủ động trong công tác tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện; đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. BHXH huyện cũng tăng cường phối hợp, mở rộng lực lượng cộng tác viên cho các hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT. Đặc biệt, BHXH huyện đã đổi mới, linh hoạt, đa dạng trong cách thức tuyên truyền, tiếp cận người dân.
Bà Hoàng Thị Chín - Giám đốc BHXH huyện cho biết, trên cơ sở phân tích thực trạng nguyên nhân vì sao gần 10 năm thực hiện chính BHXH tự nguyện mà đối tượng tham gia rất ít chỉ tăng được hơn 1.000 đối tượng. Một trong những nguyên nhân sâu xa nhất là người dân còn rất thiếu thông tin về chính sách, người dân không thiếu tiền nhưng họ không nắm bắt được những chủ trương chính sách về BHXH tự nguyện, đặc biệt là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Vì vậy, với phương châm “ bám làng, bám dân”, BHXH huyện đã chủ động, điều phối tất cả các hoạt động của các tổ chức đại lý trên địa bàn; là cơ quan chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền đối thoại với người dân tại cộng đồng dân cư. Các hội nghị truyên truyền không chỉ thực hiện tại trụ sở UBND xã mà ngay tại nhà văn hóa thôn, xóm hoặc liên thôn, liên xóm, không chỉ là vào ban ngày mà ngay cả vào các buổi tối. Với hình thức này, người dân có điều kiện về thời gian, gần gũi, dễ chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện BHXH tự nguyện, từ đó tạo niềm tin đối với người dân. Từ năm 2017 đến nay đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền đối thoại với người dân được thực hiện tại cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn.
“Nhiều người dân sau khi tham gia các cuộc tuyên truyền nói rằng chính sách BHXH tự nguyện hay như vậy mà nay họ mới được nghe một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nghe được điều đó, tôi thấy mình có lỗi khi chưa làm tròn trách nhiệm và cũng thúc giục tôi phải về tận xóm, làng để tuyên truyền, vận động. Tôi tâm niệm, cán bộ BHXH không chỉ  là người thực hiện nghiệp vụ chính sách BHXH, BHYT đơn thuần, mà phải là người biết truyền tải chính sách cho dân hiểu, dân tin và dân thực hiện.” - bà Chín chia sẻ.
Trao sổ BHXH cho người tham gia tại hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện
Tham dự hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện ngày 17/11/2020, tại trụ sở UBND xã Viên Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi được chứng kiến O Chín (cách gọi thân thương của người dân nơi đây với nữ Giám đốc BHXH huyện) chia sẻ, trả lời những câu hỏi, thắc mắc của người dân về chính sách BHXH tự nguyện rất chân chất, đời thường.
Những ví dụ, dẫn chứng cụ thể trong vùng được bà vận dụng, khái quát thành câu chuyện theo từng nhóm đối tượng. "Những câu chuyện đúc kết từ thực tế tôi thường cho rà soát để nhắm vào từng đối tượng cụ thể để vận dụng tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn. Nếu đọc luật các điều khoản để giảng giải thì sẽ rất khó hiểu mà phân tích mổ xẻ qua câu chuyện để họ có thấy sự đồng cảnh ngộ” - bà Chín tâm sự.
Khi người dân đã có ý định tham gia BHXH tự nguyện thì câu chuyện về mức đóng cũng cần tư vấn định hướng cụ thể. “Chúng tôi luôn được hỏi lấy tiền đâu mà đóng khi nhà làm nông. Nhưng với mức hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện như hiện nay thì mức đóng thấp nhất là 138.000 đồng/tháng so với ngày công thợ xây khoảng 200.000 đồng/ngày thì người dân hoàn toàn có thể tham gia. Do vậy, khi tuyên truyền chúng tôi cũng định hướng cho họ tiết kiệm 5.000 đồng/ngày đi chợ hoặc mua lợn nhựa bỏ tiền tiết kiệm khi có mẻ cá, cua, lứa trứng… để đóng tiền BHXH tự nguyện sau này có lương hưu” - bà Chín chia sẻ.
Với cách tuyên truyền dễ hiểu, cụ thể, tại hội nghị ở xã Viễn Thanh đã có 28 người tham gia BHXH tự nguyện trong tổng số gần 80 người được mời tham dự. Cầm cuốn sổ BHXH được cấp ngay tại hội nghị, chị Đặng Thị Trung (45 tuổi) chia sẻ: “Trước hôm diễn ra hội nghị, tôi được cán bộ Hội phụ nữ xã đến tuyên truyền trước về BHXH tự nguyện và mời muốn tìm hiểu rõ hơn thì đến tham dự hội nghị tại UBND xã. Qua buổi truyên truyền, nhận thấy được lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện nên tôi đã tham gia và sẽ thuyết phục chồng cùng tham gia nữa”.
Có thể thấy, mô hình tổ chức hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện tại cơ sở ở Yên Thành đang phát huy hiệu quả tốt nhờ sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền và các đoàn thể địa phương.
Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện xác định, công tác phát triển BHXH tự nguyện là một nhiệm vụ quan trọng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND huyện chỉ đạo, xác định, cơ quan BHXH sẽ là nòng cốt cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách này; trong đó, giải pháp đột phá là tổ chức các hội nghị tuyên truyền trong khu dân cư. Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chúng tôi yêu cầu tất cả các tổ chức đoàn thể cùng họp bàn, phân công công việc theo từng nhóm đối tượng để vận động. Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền cơ sở đứng đầu là chủ tịch xã phải có mặt, phát biểu định hướng tạo lòng tin về chính sách BHXH.
Là một trong những đoàn thể tham gia tích cực, bà Nguyễn Thị Hoà - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Thành cho biết: Phối hợp với BHXH huyện trong công tác phát triển BHXH tự nguyện, thời gian qua, Hội đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công tác viên tuyên truyền ngày càng chuyên nghiệp; triển khai các mô hình như “Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”; mở các hội nghị đối thoại trực tiếp… qua đó đã phát triển, vận động được hàng nghìn người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đánh giá về công tác phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Yên Thành, ông Lê Viết Thức - Phó Giám đốc quản lý, điều hành BHXH tỉnh Nghệ An thông tin, hiện toàn tỉnh Nghệ An có hơn 71.000 người tham gia BHXH tự nguyện thì Yên Thành - tuy là một huyện Trung du, thu nhập của người dân còn thấp so với nhiều địa phương - nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện đang rất lớn, chiếm 1/5 toàn tỉnh. Kết quả đó có được do huyện đã bám sát giải pháp thứ 5 của Nghị quyết 28/NQ-TW khi tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác BHXH tự nguyện. BHXH huyện đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến sự yêu nghề, nhiệt huyết của cá nhân đồng chí Giám đốc BHXH huyện Hoàng Thị Chín đã truyền cảm hứng cho công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn ngày càng lan toả, gần gũi, thiết thực hơn./.
T.Q

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện