Huyện Xuân Trường đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
(LĐXH) Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, những năm qua, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp lao động nông thôn tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện Xuân Trường hiện có 580 doanh nghiệp đang hoạt động; 4 cụm công nghiệp; các làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm: thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông, xã Xuân Phương; dệt chiếu, trồng cây cảnh Xuân Dục, xã Xuân Ninh; cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản xã Xuân Tiến. Căn cứ nhu cầu học nghề của người lao động và Kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của UBND tỉnh và UBND huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án 1956 của huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, đồng thời yêu cầu các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc huyện, các đơn vị đào tạo nghề ngoài huyện thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đúng quy định, đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở 108 lớp học nghề ngắn hạn, trong đó 77 lớp với 2.638 lao động được đào tạo theo đề án 1956. Riêng trong năm 2019, trên địa bàn toàn huyện có trên 600 lao động được đào tạo, trong đó có các lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đối tượng chính sách người có công, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên khu vực sông Hồng, Công ty cổ phần May Sông Hồng… thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp (trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm) và nghề phi nông nghiệp (May công nghiệp, mộc dân dụng, móc sợi, hàn điện…) cho lao động nông thôn. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, đối với nghề phi nông nghiệp, 100% lao động sau khi hoàn thành học nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhờ có tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, hàng năm toàn huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 1,3%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 49,2 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, một số làng nghề truyền thống tại huyện Xuân Trường được các cấp, ngành, UBND xã hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho người lao động được học nghề. 2 làng nghề truyền thống gồm thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông hàng năm đều tổ chức 3-4 lớp dạy nghề cho lao động trẻ tại địa phương. Các xưởng sản xuất cũng sẵn sàng hướng dẫn, truyền dạy kĩ thuật cho các người trẻ trong thôn, xã. Nhờ vậy nghề điêu khắc gỗ truyền thống của thôn Trà Đông cùng với nghề thêu ren Phú Nhai được duy trì, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất của xã. Bên cạnh đó, làng nghề truyền thống dệt chiếu, trồng hoa, cây cảnh Xuân Dục của Xã Xuân Ninh cũng được Đảng ủy, UBND xã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhằm tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; mở rộng xưởng, kho bãi; tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề… Kết quả, làng nghề dệt chiếu Xuân Dục đang duy trì 174 hộ gia đình với 372 lao động tham gia sản xuất, tổng doanh thu cả làng nghề ước tính đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm; 133 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh tạo việc làm cho 266 lao động, tổng thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh ước tính đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Tăng cường rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức thường xuyên các lớp học nghề vừa phù hợp nhu cầu người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đảm bảo người học nghề sau khi kết thúc khóa học nhanh chóng tìm được việc làm, công việc ổn định, được đảm bảo quyền lợi người lao động.
Minh Ngọc
TAG: