Huyện Vụ Bản đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm
(LĐXH)-Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã biết tận dụng nguồn vốn để phát triển sản xuất, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cũng như góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân.
Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trước khi tổ chức phiên giao dịch tại xã, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đều thông báo đến các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về thời gian giao dịch cụ thể. Đồng thời, tổ chức giải ngân, thu hồi nợ theo ca để khách hàng sắp xếp công việc, đến giao dịch được thuận lợi, đảm bảo giãn cách phòng dịch. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đã quán triệt đến tất cả cán bộ, người lao động và người dân đến giao dịch thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi giao dịch, chuẩn bị sẵn khẩu trang để phát cho những người không có khẩu trang. Bàn giao dịch của các điểm giao dịch tại xã được trang bị kính chắn giọt bắn cho cán bộ, nhân viên. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản vẫn chủ động thực hiện chính sách gia hạn, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID19; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được vay vốn mới để tái đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến ngày 2-4-2021, tổng doanh số cho vay tại ngân hàng đạt 13 tỷ 497 triệu đồng, bằng 111% so với cùng kỳ năm trước, với 458 lượt khách hàng được vay vốn; tập trung chủ yếu vào 4 chương trình: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (6 tỷ 540 triệu đồng), giải quyết việc làm (3 tỷ 340 triệu đồng), hộ cận nghèo (1 tỷ 690 triệu đồng), học sinh sinh viên (1 tỷ 577 triệu đồng). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 189 tỷ 139 triệu đồng, tăng 2.634 triệu đồng so với ngày 31-12-2020, đạt 98% kế hoạch dư nợ năm, với 6.722 hộ gia đình còn dư nợ. Các chương trình có dư nợ tăng trưởng là nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 2 tỷ 45 triệu đồng; giải quyết việc làm tăng 1 tỷ 560 triệu đồng; học sinh sinh viên tăng 968 triệu đồng... Một số xã có dư nợ lớn như: Liên Minh 14 tỷ 920 triệu đồng, Minh Thuận 14 tỷ 907 triệu đồng, Tam Thanh 14 tỷ 794 triệu đồng, Cộng Hòa 12 tỷ 963 triệu đồng, Hiển Khánh 12 tỷ 892 triệu đồng... Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu chỉ 187 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 62 triệu đồng so với đầu năm.
Nguồn vốn vay ưu đãi cho vay giải quyết việc làm như chiếc phao cứu sinh giúp nhiều người lao động và nhiều hộ gia đình vượt lên khó khăn, ổn định công ăn việc làm và thu nhập. Về thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản hỏi tới anh Triệu Đình Hợi hầu như ai cũng biết bởi anh đang rất thành công với mô hình nuôi thỏ. Cũng như nhiều nông dân chân lấm tay bùn làm bạn với cây lúa, cuộc sống của gia đình anh Hợi từng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH, anh đã biết cách vươn lên làm giàu. Đầu tiên là từ chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, gia đình anh Hợi mạnh dạn nhận khoán hơn 16 nghìn mét vuông đất công với thời gian 5 năm để xây dựng chuồng trại để chăn nuôi giống thỏ New Zealand. Tuy nhiên, thời gian đầu, mọi việc rất khó khăn bởi thiếu vốn đầu tư, bản thân anh chưa có kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi và quản lý trang trại.
Năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã, anh Hợi đã được tiếp cận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi hỗ trợ việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vụ Bản. Cùng thời điểm đó, được sự giới thiệu của NHCSXH huyện, anh đã ký kết hợp đồng với Công ty NIPONGZOKY - một công ty của Nhật Bản chuyên thu mua thỏ phục vụ cho việc chế tạo vacxin. Có nguồn vốn để đầu tư và không phải lo sản phẩm đầu ra, anh quyết định nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị, máy móc và chuyên tâm chăm sóc đàn thỏ.
Không phụ những cố gắng nỗ lực của bản thân anh và gia đình, đàn thỏ sinh trưởng phát triển tốt. Sau 2 năm vay vốn NHCSXH anh Hợi đã có 6.000 con thỏ, trong đó 800 con thỏ bố mẹ. Hàng tháng, anh xuất cho công ty từ 1.500-1.600 con thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2,2kg, giá 187 nghìn đồng/con. Tổng thu hàng tháng đạt khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân công lao động, khấu hao chuồng trại… còn khoảng trên 65 triệu đồng/tháng. Mô hình nuôi thỏ của anh Hợi đã tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về sự thành công của mô hình nuôi thỏ, anh Hợi cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng của bản thân, của gia đình, còn là sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn của NHCSXH huyện Vụ Bản.
Tại xã Liên Minh (Vụ Bản - Nam Định), hoạt động tín dụng chính sách xã hội khá hiệu quả. Xã có dân số 11 nghìn người, trong đó có gần 7.200 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, cho vay vốn tạo việc làm cho người lao động, qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt khoảng 15 tỷ đồng cho 535 hộ vay vốn phát triển sản xuất và vay vốn tạo việc làm, trong đó có 7 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện phát triển quy mô sản xuất. Chị Ngô Thị Lánh (51 tuổi) ở xóm Tiền trước năm 2018 thuộc hộ cận nghèo, sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vay thêm người thân, vợ chồng anh chị đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Đến nay, sau 3 năm, gia đình chị đã thoát nghèo.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Liên Minh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 72,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều còn 0,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm.
Hay Chị Nguyễn Thị Lưu ở xóm Hội 2, xã Quang Trung cho biết: “Từ năm 2000, khởi nghiệp nghề rèn nông cụ, hai vợ chồng tôi đã được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ chịu khó, tích góp vốn liếng cộng với sự giúp đỡ của Ngân hàng CSXH huyện, năm 2010, gia đình tôi đã có thể đầu tư 250 triệu đồng nâng cấp hệ thống điện, lò than đồng bộ để sản xuất quả búa, rìu, dũa”. Đến nay, gia đình chị đã có xưởng sản xuất với năng suất hơn 300 sản phẩm/ngày, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động lành nghề. Hiện tại, chị Lưu tiếp tục vay 40 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư thêm máy cắt sắt phôi, máy mài để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chị được tín nhiệm bầu là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Đến nay, dư nợ của tổ là 1 tỷ đồng với 47 thành viên còn dư nợ.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản tập trung phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các xã, thị trấn theo thông báo của Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh và đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để. Đề xuất Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục bổ sung vốn giải quyết việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, tạo việc làm, ổn định cuộc sống./.
Mỹ Anh
TAG: