An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
09:50 PM 26/11/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã ban hành các kế hoạch hàng năm, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn làm nhà ở; hỗ trợ sinh kế cho người nghèo.
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn huyện
Theo số liệu rà soát hộ nghèo đầu kỳ, huyện Thạch Hà có 1.372 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,53%; 1.742 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,48%. Đến nay, huyện còn 1.301 hộ nghèo, tỷ lệ 3,26%; 1.418 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3.55%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm so với đầu kỳ năm 2021 là 0,27%; tỷ lệ cận nghèo giảm so với đầu năm 2021 là 0,93%.
Triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo, trong đó đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2021 đến 2023, huyện đã thực hiện 18 dự án phát triển sản suất cộng đồng tại 18 xã, thị trấn (mô hình chăn nuôi gà, bò), với 647 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 3,36 tỷ đồng; vốn đối ứng của người dân hơn 40% tổng giá trị dự án. Năm 2024, thực hiện thêm 16 dự án tại 16 xã, thị trấn, với kinh phí 3,33 tỷ đồng hỗ trợ từ Chương trình.
Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó có Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Thạch Hà đã thực hiện 9 dự án chăn nuôi gà tại 9 xã với 232 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là 1,7 tỷ đồng; vốn đối ứng của người dân 40% tổng giá trị dự án. Năm 2024, triển khai 6 dự án tại 6 xã, với kinh phí 1,37 tỷ đồng.
Năm 2024, huyện Thạch Hà triển khai thực hiện 16 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, với mô hình chăn nuôi bò, gà 
Về Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng, huyện được giao dự toán 308 triệu đồng, hiện nay đang triển khai thực hiện tại 22 trạm y tế xã, thị trấn với hoạt động hỗ trợ can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi.
Song song với đó, huyện Thạch Hà còn tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Trong đó đối với Tiểu dự án 1: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, từ nguồn kinh phí năm 2022, huyện đã đào tạo nghề cho 125 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với kinh phí thực hiện 476 triệu đồng; từ nguồn kinh phí năm 2023 đã đào tạo nghề cho 140 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với kinh phí 532,12 triệu đồng, qua đó giúp người nghèo có được tay nghề cần thiết, có thể tìm việc làm tại chỗ, cải thiện thu nhập và giảm nghèo bền vững. Năm 2024, với kinh phí được giao 1,47 tỷ đồng, huyện dự kiến đào tạo 02 lớp/70 lao động, với kinh phí 268 triệu đồng; số còn lại sẽ không giải ngân được do khó khăn trong tuyển sinh.
Về Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, huyện đã triển khai khảo sát điều tra thu thập thông tin thị trường lao động. Dự kiến năm 2024, tổ chức 10 cuộc phổ biến thông tin thị trường lao động.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình như tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình giảm nghèo ở các địa phương khác; Điều tra, rà soát hộ nghèo…

Thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, trong giai đoạn 2022-2024, toàn huyện đã cấp 63.746 thẻ BHYT cho 9.395 người nghèo, 15.237 cận nghèo. Hỗ trợ tiền điện cho 55.044 lượt người với số tiền 2,9 tỷ đồng. Hỗ trợ thu nhập theo Nghị quyết 151 cho 3.471 lượt người với số tiền 316 triệu đồng, theo Nghị quyết 72 cho 4.009 lượt người với số tiền 958 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 474 nhà ở với kinh phí 33,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo ở huyện Thạch Hà vẫn còn một số khó khăn như: Mô hình giảm nghèo có hiệu quả còn ít, khả năng duy trì, nhân rộng còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo chung hàng năm giảm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao, một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân của huyện như: Thạch Hải (4,60%), Đỉnh Bàn (4,80%), Thạch Thắng (4,04%); giải pháp giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn thuộc Chương trình phân bổ hàng năm chưa phù hợp, cụ thể: Nguồn thuộc Tiểu dự án 3 – Dự án 4: Hỗ trợ việc làm bền vững, kinh phí phân bổ nhiều nhưng vướng mắc, không giải ngân được do không có hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho một phiếu điều tra thống kê hoặc định mức chi cụ thể từng địa bàn cho một điều tra viên/ngày. Do đó, huyện gặp khó khăn trong việc chi trả tiền công cho điều tra viên (là cán bộ thôn, tổ dân phố). Thêm nữa, một số nguồn vốn phân bổ nhưng ghi rõ UBND huyện giao phòng chuyên môn thực hiện nên không hỗ trợ trực tiếp cho UBND cấp xã thực hiện được như nguồn thuộc Dự án 6, Dự án 7 của Chương trình; một số nguồn vốn phân bổ quá với nhu cầu của địa phương nên không giải ngân hết.

Trên cơ sở đó, huyện Thạch Hà đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn định mức chi tiền công cho điều tra viên (cán bộ thôn, tổ dân phố) hoặc làm rõ thẩm quyền quy định định mức tiền công (mức chi cho 1 phiếu điều tra) thực hiện điều tra, thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động và cầu lao động trên địa bàn các huyện từ nguồn vốn Tiểu dự án 2 - Dự án 4: phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Đối với các cấp có thẩm quyền, khi phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình cần căn cứ nhu cầu thực tế của từng địa phương./.

Thu Hương

 

 

TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công