Huyện Sơn Động (Bắc Giang): Hiệu quả từ chương trình tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Sơn Động (Bắc Giang) có 50% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Cùng với sự chủ động, nhạy bén của người dân, những năm qua, nguồn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chị Lê Thị Thành, dân tộc Tày, thôn Dần, xã Hữu Sản lập gia đình năm 19 tuổi. Do không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, khi đã sinh bốn con, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo. Được sự giới thiệu, tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Thành được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách khi vay 30 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Động trao đổi với các hộ vay vốn.
Cùng với hỗ trợ của các đoàn thể và quyết tâm vượt khó, đến năm 2017, gia đình chị trả được số tiền vay trước đó và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để đầu tư trồng rừng sản xuất. Chị Thành nói: “Bây giờ gia đình tôi có 4 ha cây keo, mở quán bán tạp hoá, thu nhập hằng năm dần nâng lên. Cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, tôi đã xây dựng được nhà kiên cố, nuôi con cái ăn học. Cuối năm ngoái tôi đã tự nguyện xin thoát nghèo”.
Theo ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản, toàn xã có 97% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cũng như vào cuộc quyết liệt của các hội, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, kinh tế của người dân có bước chuyển đáng kể.
Qua thống kê, toàn xã có hơn 600 hộ thì hơn 400 hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ hơn 21 tỷ đồng. Các đối tượng vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 40,6% năm 2019 xuống 26% năm 2020. Tới đây, xã tiếp tục rà soát hộ nghèo, phối hợp với ngân hàng đưa ra phương án hỗ trợ vốn vay phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình sao cho hiệu quả”, ông Kính cho biết.
Qua đánh giá, rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sơn Động được tiếp cận vay vốn tín dụng CSXH đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, khá giả. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Sầy, xã Tuấn Đạo. Nguồn vốn chính sách đã đồng hành cùng gia đình chị từ khi là hộ nghèo, sau đó đến cận nghèo và trở thành hộ giàu.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị cải tạo đất trồng 2 ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi và cam ngọt, kết hợp nuôi gà thả đồi, trồng rừng sản xuất… Nhờ chăm chỉ, riêng đầu năm nay từ cây ăn quả cho gia đình chị thu nhập 150 triệu đồng. Cũng từ nguồn vốn sinh lời này và tích cóp nhiều năm, gia đình chị vừa hoàn thành ngôi nhà trị giá hơn một tỷ đồng.
Thống kê của Ngân hàng CSXH huyện, hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình đạt hơn 526 tỷ đồng với hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các trường hợp khác được vay vốn. Dư nợ bình quân nâng lên 47,8 triệu đồng/hộ.
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện khẳng định, nguồn vốn chính sách đã góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống nhân dân, đặc biệt là tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động. Năm 2020, toàn huyện có gần 1.500 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 20,94%.
Được biết, năm 2021, Ngân hàng CSXH huyện đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính sách đạt 8-10%, giảm nợ xấu xuống còn 0,05%, không phát sinh lãi tồn. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn rà soát các khoản nợ, lãi tồn của năm trước trên cơ sở đó có biện pháp xử lý, đôn đốc thu hồi vốn. Đồng thời, đơn vị tập trung giải ngân nguồn vốn cho vay, ưu tiên vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất kinh doanh, nước sạch, vệ sinh môi trường và các đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn./.
PV
TAG: