Huyện Phú Bình: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, giúp giảm nghèo bền vững
(LĐXH) – Với việc thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo nghèo bền vững, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo kết quả sơ bộ tính đến ngày 03/11/2024, toàn huyện còn 854 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,17%; 1.048 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,67%.
Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở các quy định của Trung ương và của tỉnh, huyện Phú Bình đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo từng năm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về lao động; thực hiện tổt công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phân bổ cho huyện Phú Bình trong năm 2024 là 8,5 tỷ đồng. Tính đến tháng 11/2024 đã giải ngân được 5,19 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2024 giải ngân được 7,64 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí được phân bổ, huyện đã triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Trong đó đối với Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tổng kinh phí thực hiện năm 2024 là 1,2 tỷ đồng, trong đó (ngân sách Trung ương 990 triệu đồng, ngân sách tỉnh 102 triệu đồng, ngân sách huyện 112 triệu đồng), bao gồm: kinh phí được giao năm 2024 là 1,023 tỷ đồng và kinh phí chuyển nguồn 182 triệu đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2024 đã giải ngân được 165 triệu đồng. Dự kiến 9 tháng năm 2024 sẽ giải ngân được 70% nguồn kinh phí được giao, với số tiền 844 triệu đồng. Ước thực hiện cả năm 80% nguồn kinh phí được giao.
UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình tới các xã, thị trấn. Trong công tác hỗ trợ việc làm, đã ban hành Kế hoạch tổ chức việc thực hiện nội dung Phát triển giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ việc làm bền vững trong các chương trình MTQG (Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ người lao động tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; giải quyết việc làm bền vững cho lao động trên địa bàn huyện, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được kết nối tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tìm kiếm việc làm.
Triển khai Kế hoạch, UBND huyện Phú Bình đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024 tại Trường THPT Điềm Thụy, với sự tham dự của trên 900 cán bộ, giáo viên, học sinh khối 11 và 12 của Nhà trường; 20 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, c
Tại Ngày hội, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai các nội dung: Định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, người lao động; tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động; tư vấn tuyển dụng lao động/tuyển sinh của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong nước; thông tin tuyển sinh trực tiếp tại các gian hàng; tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng, kết nối việc làm.
Việc tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp đã cung cấp thông tin thị trường lao động, góp phần định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho các em học sinh. Từ đó, tạo cơ hội cho các em học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, giúp các em chủ động trong việc xây dựng kế hoạch việc làm sau khi tốt nghiệp THPT.
Kết quả trên đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với việc hỗ trợ giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững. Theo kết quả sơ bộ tính đến ngày 03/11/2024, toàn huyện Phú Bình còn 854 hộ nghèo, tỷ lệ 2,17% (giảm 339 hộ, tỷ lệ giảm 0,86%), đạt 110,78% chỉ tiêu tỉnh giao; còn 1.048 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,67% (giảm 223 hộ, tỷ lệ giảm 0,56%), bằng 125,28% chỉ tiêu tỉnh giao./.
Hồng Phượng
TAG: