Huyện Kim Thành: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động tình nghĩa nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho các gia đình chính sách.
Hỗ trợ về nhà ở
Vài tháng nay, Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tìm ở thôn Thượng Đỗ (xã Thượng Vũ) đã chuyển lên căn nhà mới khang trang, rộng rãi. Cuộc sống của mẹ đã bớt vất vả và có nhiều niềm vui hơn. Bà Nguyễn Thị Thủy, con gái ở cùng mẹ Tìm cho biết: "Bố tôi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi và em trai. Sau đó, em trai cũng hy sinh. Bao năm qua, gia đình tôi sống trong căn nhà cấp bốn chưa đầy 20 m2 , đã bị xuống cấp nặng. Năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã vay mượn thêm họ hàng, người thân để xây ngôi nhà này".
Ông Nguyễn Thanh Xuân ở thôn Văn Thọ (xã Đại Đức) là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình nhiều năm qua rất khó khăn, không có điều kiện xây nhà mới. "Cuối năm 2018, địa phương đã khảo sát, lập phương án hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ ngày công xây cho gia đình tôi ngôi nhà mới. Sự quan tâm của Nhà nước, của chính quyền địa phương khiến tôi rất xúc động. Giờ đây gia đình tôi đã được ở trong căn nhà mới, không còn lo trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột như trước nữa", ông Xuân nói.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tìm (giữa) cùng gia đình con gái phấn khởi trong ngôi nhà mới
Từ năm 2013 đến nay, huyện Kim Thành đã rà soát, đề nghị cấp trên hỗ trợ 952 gia đình người có công với cách mạng xây dựng, sửa chữa nhà ở. Hiện đã có 398 hộ được hỗ trợ xây dựng với mức 44 triệu đồng/nhà, trong đó tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, huyện hỗ trợ 4 triệu đồng; 438 hộ được hỗ trợ sửa chữa với mức 20 triệu đồng/nhà. Huyện Kim Thành còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây "nhà tình nghĩa" cho các hộ. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ, vận động xây dựng được 23 ngôi nhà, với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
Ngoài bảo đảm chi trả trợ cấp thường xuyên cho những người có công đúng, đủ, kịp thời, hằng năm huyện đều dành ngân sách để thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, trợ cấp đột xuất cho người có công.
Hiện nay, tất cả các đối tượng chính sách trong huyện đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, thân nhân người có công được miễn, giảm học phí và được trợ cấp hằng tháng. Huyện cũng thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình người có công vào mỗi dịp lễ, Tết. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Các cơ quan, ban, ngành của huyện tích cực phối hợp, giải quyết tốt các chính sách liên quan đến người có công như xác nhận thương binh, liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ; giải quyết chế độ, chính sách với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... Ông Tô Văn Mậu ở thôn Chuẩn Thừng (xã Kim Đính) từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bị thương khi đang làm nhiệm vụ nhưng sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông không giữ được giấy chứng nhận thương tật. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chính sách Ban Chỉ huy quân sự huyện Kim Thành, đầu năm 2019 ông đã hoàn thiện hồ sơ và được hưởng chế độ thương tật. "Bao năm mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng tôi đã được hưởng chế độ của Nhà nước. Đây là sự ghi nhận, động viên rất quý đối với tôi và gia đình", ông Mậu cho biết.
Theo Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Kim Thành Phạm Văn Liêm, dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương luôn dành mọi ưu tiên hỗ trợ những người có công về mọi mặt, từ nhà ở, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ việc làm... 100% gia đình chính sách trong huyện không còn hộ nghèo. Nhưng huyện hiện còn 1.056 gia đình người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở. Huyện sẽ tiếp tục đề nghị cấp trên hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực, tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo cho người có công.
PV
TAG: