Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hội thảo thực trạng tiếp cận dịch vụ việc làm của lao động di cư
10:38 AM 30/11/2018
(LĐXH)- Ngày 29/11, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) phối hợp tổ chức hội thảo "Thực trạng tiếp cận dịch vụ việc làm của lao động di cư".
Dự và chủ trì hội thảo có TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation; lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết: Đến năm 2015, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được chuyển sang thực hiện tại Luật Việc làm và được cải cách nhằm mở rộng phạm vi bao phủ và tăng cường hiệu quả thực hiện. Chính sách BHTN đã triển khai được 9 năm, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người lao động khi mất việc làm, giúp người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện BHTN được đánh giá là tương đối đồng bộ, đầy đủ và kịp thời, đối tượng tham gia đã mở rộng đến người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động 3 tháng trở lên, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ người lao động duy trì việc làm. Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành.... trong việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.
Các đại biểu về dự hội thảo thực trạng tiếp cận dịch vụ việc làm của lao động di cư
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập, như: việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHTN còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tham gia thấp so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết 15-NQ/TW (đến năm 2020 có 35% lực lượng lao động tham gia BHTN); Tỷ lệ tuân thủ còn thấp, ở khu vực tư nhân đa số người lao động chưa tham gia BHTN, tình trạng nợ đóng BHXH bắt buộc, BHTN còn phổ biến và gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh của hàng nghìn lao động và tình hình trật tự an toàn xã hội. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh, trong khi các chương trình hỗ trợ cho người bị thất nghiệp tái hòa nhập thị trường lao động (tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề) còn chưa hiệu quả; chế độ đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động trong doanh nghiệp để duy trì việc làm trên thực tế không triển khai được. Phần lớn số tiền chi quỹ BHTN dùng để thanh toán trợ cấp thất nghiệ và đóng BHYT; chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (gần 1%) được sử dụng cho hỗ trợ đào tạo nghề. Kết dư quỹ BHTN khá lớn và tăng nhanh cần phải có định hướng sử dụng nguồn quỹ một cách hiệu quả hơn, tăng cường hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.
"Trong thời gian tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Đó là mức độ rủi ro về việc làm có khả năng tăng lên ở những nhóm LĐ có trình độ và kỹ thấp, lao động nữ, lao động trung niên và cao tuổi do thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những biến động của thị trường lao động đòi hỏi chính sách, pháp luật về BHTN phải được đổi mới và hoàn thiện để trở thành một công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động hiệu quả với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, giúp cho người lao động có đủ nguồn lực về tài chính từ các khoản trợ cấp BHTN để bù đắp những thiếu hụt về thu nhập do mất việc làm; đồng thời tăng cường kỹ năng và các cơ hội tham gia thị trường lao động cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của công nghệ mới để duy trì việc làm cho người lao động" - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Tổ chức Hanns Seidel Foundation chủ trì hội thảo
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN, 5 năm thực hiện Luật Việc làm, tháng 3 năm 2018, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã thực hiện khảo sát "Đánh giá chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội và Bình Dương" nhằm đánh giá ưu điểm và những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện các chế độ BHTN làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách BHTN trong thời gian tới.
Hội thảo "Thực trạng tiếp cận dịch vụ việc làm của lao động di cư" là dịp để các chuyên gia, cán bộ quản lý chia sẻ và thảo luận về các phát hiện chính từ kết quả nghiên cứu nói trên của Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Hội thảo này cũng là cơ hội để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia, đặc biệt là đại diện đến từ các Trung tâm dịch vụ việc làm và cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố (những đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách này) chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm thực hiện chính sách, những ưu điểm và bất cập, tồn tại trong tổ chức thực hiện BHTN thời gian qua. Hội thảo cũng là diễn đàn để thảo luận về những định hướng, giải pháp về mặt thiết kế và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập để hoàn thiện chính sách BHTN, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 28 trong thời gian tới, góp phần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bao trùm và bình đẳng.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật