Hòa Bình: Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm
(LĐXH) Theo tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình, trong 9 tháng đầu năm 2018, với sự quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Hòa Bình đã giải quyết việc làm trong nước cho 12.880 lao động (đạt 78,06% kế hoạch năm). Chia theo lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng 5.430 người; Nông, lâm, ngư nghiệp 4.760 người; Thương mại, dịch vụ 2.690 người; Xuất khẩu lao động 117 người.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2017-2020, chương trình an toàn vệ sinh lao động đến năm 2020. Thẩm định hồ sơ và giới thiệu 13 doanh nghiệp về các huyện, thành phố trong tỉnh để tư vấn và tuyển chọn lao động. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa Sở với Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh trong việc hợp tác tuyển sinh học nghề và cung ứng lao động của tỉnh Hòa Bình cho tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2018.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn việc làm thường xuyên tại trung tâm, phối hợp tổ chức 11 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm tại các địa phương cho gần 2.000 lao động, trong đó có 150 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm (trong đó, 06 sàn lưu động tại các huyện; 05 sàn giao dịch Online) với gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia, đã có trên 2.500 lao động được tư vấn tại sàn, qua đó có 206 lao động được tuyển dụng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh Hòa Bình giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động
Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã tư vấn và giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 1.800 lao động với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 20 tỷ đồng; cấp giấy phép, cấp lại giấy phép cho 25 lao động nước ngoài.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 4 khu công nghiệp đang có doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, có 85 dự án đầu tư đã được cấp phép tại các khu công nghiệp, trong đó có 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 438,9 triệu USD, 62 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 6.940,24 tỉ đồng. Hiện có 47 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 16.957 lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 15 cụm công nghiệp, có 5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 12 dự án thứ cấp triển khai đầu tư với tổng nguồn vốn trên 25 nghìn tỉ đồng và 380 triệu USD, tạo việc làm bình quân mỗi năm cho hơn 10 nghìn lao động. Hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh có 695 doanh nghiệp, 159 chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký trên 9 nghìn tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn, như: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, phân tán. Tại các khu công nghiệp của tỉnh có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động số lượng lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông làm nghề đơn giản như may mặc và lắp ráp điện. Tâm lý người dân không muốn đi xa nhà. Các thị trường có việc làm, thu nhập ổn định thì chi phí cao, người lao động của tỉnh không đủ chi phí. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng chính sách khi tham gia XKLĐ tỉnh chưa có kinh phí để hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi XKLĐ.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu trong năm 2019, Hòa Bình phấn đấu giải quyết việc làm trong nước cho 16.500 lao động, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 500 người. Tỷ lệ lao động trong ngành nông lâm ngư nghiệp giảm còn 61%, khống chế tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
Để thực hiện được mục tiêu này, Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm (Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động) và các đề án, chính sách về giải quyết việc làm; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm.
Sở LĐTBXH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động - tiền lương thông qua việc triển khai đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 góp phần xây dựng qua hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động./.
Hồng Phượng
TAG: