Hoà Bình: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
(LĐXH)-Trong năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báotình hình, chủ động và kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực.
Đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai, trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 6745/KH-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính Phủ trong thực hiện và giám sát hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; Kế hoạch số 5936/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh về việc Triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.
Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn cho người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy ở cấp xã. Tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Tổ chức các hoạt động Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024. Phân phát 5.455 móc khóa, tuyên truyền phòng, chống ma túy và 1000 mũ lưỡi trai có in thông điệp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho 10 trường trung cấp và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Sở đã tiến hành kiểm tra công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 01 địa phương và 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Cơ sở Cai nghiện ma túy thực hiện Quy trình cai nghiện ma túy 05 giai đoạn, kết hợp với các biện pháp y tế, tâm lý, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/NĐ-CP; thực hiện thủ tục tiếp nhận, hồ sơ quản lý học viên theo quy định.
Được biết, số người nghiện ma túy hiện đang cai nghiện và quản lý tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh là hơn 362 người (trong đó cai nghiện bắt buộc hơn 355 người). 100% số học viên vào cai nghiện, chữa trị tại Cơ sở đều được tổ chức các biện pháp cai cắt cơn giải độc an toàn; được tham gia chữa trị các bệnh cơ hội khác theo phác đồ điều trị phù hợp. Do vậy, đại đa số học viên sau khi vào Cơ sở chỉ sau từ 10 - 20 ngày đều nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tâm lý ổn định và có đủ khả năng để tham gia các hoạt động giáo dục trị liệu khác theo quy trình quy định. Trong quá trình thực hiện điều trị luôn đảm bảo đúng quy trình quy định của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, đánh giá đúng độ dung nạp các chất dạng thuốc phiện, điều chỉnh liều phù hợp với từng bệnh nhân, cấp phát đúng chỉ định, không để xảy ra trường hợp nào quá liều, ngộ độc, quản lý và bảo quản thuốc Methadone đúng theo quy trình quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cơ sở đã phối hợp trường Trung cấp Nghề Dân tộc Nội trú Khánh Vĩnh tổ chức lớp nghề sơ cấp hàn cho 35 học viên; Tư vấn định hướng việc làm cho 74 lượt học viên; Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 200 học viên.
Triển khai các kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành triển khai kế hoạch tập huấn, tuyên truyền phòng, chống mại dâm đối với các Câu lạc bộ niềm tin và Nhóm đồng đẳng. Biên soạn tài liệu tuyên truyền phòng, chống mại dâm; tuyên truyền phòng, chống mua bán người.
Cùng với đó, Sở tổ chức 02 Hội nghị truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người tại huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh cho 150 đại biểu tham dự. Phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng chống mua bán người tại 03 xã trên địa bàn huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh cho 225 người tham gia. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 01 Hội nghị truyền thông về phòng chống mua bán người ở huyện Diên Khánh cho 75 đại biểu tham dự. Sở cũng thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn trong phòng chống tệ nạn mua bán người; Đến nay, chưa phát hiện tình trạng mua bán người xảy ra trên địa bàn.
Đội Kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh cũng tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2024, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm không vi phạm pháp luật đã quy định .
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm ở Hoà Bình đã được thực hiện tích cực, tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần tích cực trong tạo môi trường sống trong sạch, lành mạnh và an toàn cho người dân trên toàn địa bàn./.
Mỹ Hạnh
TAG: