Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở Phú Thọ
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực nói chung, giải quyết việc làm và dạy nghề cho người lao động nói riêng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những địa phương có bước phát triển đột phá về quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 theo giá so sánh với năm 2010 đạt 40.890,4 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (hiện chiếm 21,57%), tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (chiếm 37,86%) và dịch vụ (chiếm 40,57%). Khép lại năm 2018, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 16.347 người (đạt 102,2% kế hoạch năm), xuất khẩu lao động đạt 3.420 người (đạt 136% kế hoạch); tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo và truyền nghề đạt 63,5%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%.
Vấn đề việc làm đang ngày càng trở nên bức thiết, nhất là xã hội hiện đại đòi hỏi người lao động vừa phải có kiến thức, kỹ năng, tay nghề, vừa phải có vốn sản xuất. Với mục đích tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) đã góp phần xây dựng thành công các mô hình kinh tế, duy trì và tạo việc làm mới, tăng thời gian lao động của lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chủ dự án.
Đang vào vụ thu hái chè xuân, dẫn chúng tôi đi thăm quan đồi chè rộng 3ha của gia đình, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng làng nghề, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Đá Hen ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), cho biết: Năm 2018, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Khê tạo điều kiện giải ngân cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL ủy thác qua tổ chức Liên minh hợp tác xã với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, tôi có thêm vốn mở rộng xưởng chế biến chè búp tươi với diện tích 400m2 nhà xưởng và đầu tư hơn chục lồng quay, máy vò chè với công suất chế biến 3-4 tạ chè búp tươi/ngày. Hiện tại, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ việc mở rộng quy mô sản xuất, chế biến đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh chỉ là một trong số rất nhiều mô hình kinh tế sau khi được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn quỹ GQVL đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhằm đảm bảo vốn vay có hiệu quả, đúng quy định và mục tiêu của chương trình cho vay GQVL, hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh, trong đó Sở Lao động – TBXH và các địa phương phối hợp với các hội đoàn thể xây dựng kế hoạch, triển khai cho vay và giám sát việc thực hiện các dự án vay vốn. NHCSXH tỉnh đã tích cực cho các gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vay đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới.
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH, trong năm 2018, số lao động được giải quyết việc làm tập trung nhiều ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương là 4.684 người, tuyển vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 8.243 lao động, xuất khẩu lao động đạt 3.420 người. Riêng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (Chương trình 120), NHCSXH đã cho vay 974 dự án (trong đó có 964 dự án hộ gia đình, 10 dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh) đã góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.610 lao động (gồm 678 lao động nữ, 154 lao động là người khuyết tật, 45 người dân tộc thiểu số). Qua đó đã góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị mức 3,0%, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 85,8%.
Qua đánh giá, các dự án cho vay tập trung chủ yếu giải quyết việc làm cho số lao động do Nhà nước thu hồi đất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay phục vụ kinh tế trọng điểm trong nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, nghề mộc, đan lát, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2018, tổng dư nợ ước đạt trên 102 tỷ đồng. Nhiều mô hình vay vốn đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thu hút được nhiều lao động như: Công ty cổ phần cơ khí Trần Anh (thị xã Phú Thọ), Dự án chè Đá Hen (huyện Cẩm Khê), cơ sở sản xuất kinh doanh dầu nhớt ô tô, xe máy (huyện Lâm Thao)... Từ chương trình cho vay GQVL đã góp phần hỗ trợ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn có thu nhập, mở ra những mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – TBXH đã đề nghị với Bộ Lao động - TBXH, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung thêm nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho tỉnh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho vay nguồn vốn từ ngân sách đối với một số ngành nghề kinh tế trọng điểm của các địa phương, có suất đầu tư lớn, thu hút nhiều lao động trên địa bàn như: Trồng cây lâm nghiệp lâu năm, xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch…
Việc các cấp, ngành quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn cho vay GQVL để hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất là điều cần thiết, tạo đòn bẩy vững chắc hướng đến nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế gia đình, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chí Tâm
TAG: