Hiệu quả Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”
(LĐXH)-Trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” nhằm phòng, chống và hạn chế tệ nạn mại dâm xảy ra, bảo vệ quyền của người lao động và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” đang hoạt động tại 11 xã, phường thuộc 11 huyện, thành phố với 76 thành viên Ban chủ nhiệm, cụ thể: Xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ): 05 người; phường Xuân Hòa (TP. Long Khánh): 06 người; xã An Phước (huyện Long Thành): 06 người; thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất): 07 người; thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu): 06 người; xã Phú Lập (huyện Tân Phú): 07 người; xã Phú Hòa (huyện Định Quán): 07 người; phường Trảng Dài (Tp. Biên Hòa): 10 người; thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch): 07 người; xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom): 08 người; xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc): 07 người.
UBND các phường, xã, thị trấn đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban chủ nhiệm, quy chế hoạt động Mô hình. Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động Mô hình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Mô hình.
Để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nhận thức, các thành viên của Ban Chủ nhiệm, tiếp cận viên Mô hình đã cử các thành viên tham gia tập huấn về kỹ năng tư vấn, tiếp cận cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; kỹ năng truyền thông, hỗ trợ giảm hại về mại dâm; kỹ năng tổ chức hoạt động của mô hình; hướng dẫn thực hành sắm vai về kỹ năng truyền thông, tiếp cận, hỗ trợ giảm hại về mại dâm; kỹ năng tiếp cận và kết nối chuyển gửi hỗ trợ người bán dâm; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm khi tư vấn, tiếp cận cộng đồng... Cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông, hỗ trợ giảm hại về mại dâm cho người bán dâm, người có nguy cơ cao bán dâm đang làm tại các Cơ sở sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Tổng số Ban Chủ nhiệm Mô hình các huyện, thành phố đã cử 64 thành viên tham gia lớp tập huấn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động và Xã hội tổ chức.
Ban Chủ nhiệm, tiếp cận viên Mô hình cũng đã tiếp cận, tư vấn cho 762 người là chủ cơ sở và nhân viên của 249 Cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm về các nội dung: hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng chống bạo lực giới, đảm bảo quyền của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đồng thời phổ biến về các hỗ trợ đối với người bán dâm như: người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; được trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế gắn với thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, học nghề để giúp họ có thể quay trở lại cuộc sống, giúp họ vay vốn, tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm, tiếp cận viên Mô hình cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị và đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về tệ nạn mại dâm; tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống trong gia đình, về phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mại dâm, phòng, chống bạo lực gia đình; vận động, giáo dục không thực hiện, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật đến những Cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Cùng với đó, hướng dẫn các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động tệ nạn mại dâm. Hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Tổng số đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn tới 787 người là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh (Biên Hòa: 378 người, Cẩm Mỹ: 40 người, Long Khánh: 28 người, Tân Phú: 88 người, Nhơn Trạch: 21 người, Long Thành: 50 người; Trảng Bom: 37 người, Vĩnh Cửu: 45 người; Định Quán 60 người, Xuân Lộc: 40 người). Qua đó đã nâng cao ý thức cảnh giác của chủ cơ sở, nhân viên, chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi lợi dụng các cơ sở kinh doanh để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật. Chủ cơ sở và nhân viên đã tiến hành ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự.
Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm mỗi Mô hình đều thiết lập số điện thoại đường dây nóng (là số điện thoại của Chủ nhiệm Mô hình) để tiếp nhận, tư vấn, giải đáp và hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, người bán dâm khi có nhu cầu (24/24 giờ).
Nhìn chung Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” đã mang lại hiệu quả không chỉ đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội mà còn có tác dụng tuyên truyền đến người dân về tác hại của tệ nạn mại dâm, tệ nạn xã hội để phòng, tránh; tích cực tố giác các hành vi liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma tuý, tệ nạn xã hội tới các cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý kịp thời góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Minh Hằng