Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hà Tĩnh tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm
01:47 PM 26/10/2021
(LĐXH)- Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 398/KH-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc  thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể về nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Ít nhất có 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 60% người lao động trong các khu công nghiệp; 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, làm rõ một vụ hoạt động mua bán dâm (ảnh minh họa – Báo Hà Tĩnh)

Về nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở, 100% các huyện, thành phố, thị xã lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội; chương trình phòng, chống ma túy; chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Đối với nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm, tỉnh đặt chỉ tiêu 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời. Hàng năm, tăng 3 - 5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.
Trong nhiệm vụ này, Hà Tĩnh sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm. Đồng thời, tăng cường quản lý về an ninh, trật tự; tổ chức điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức phạm tội liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm từ cơ sở; kịp thời truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm.
Về nhiệm vụ xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm, phấn đấu có ít nhất 70% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng, xây dựng và triển khai một đến hai mô hình điểm về phòng chống mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Tiếp đến, về công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, tỉnh đặt chỉ tiêu có ít nhất 70% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ cấp tỉnh và 50% ở cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống mại dâm; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Giải pháp mà tỉnh Hà Tĩnh đề ra là cường vai trò của các sở, ngành, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống mại dâm; đưa công tác này thành nhiệm vụ thường xuyên, là một mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chế tài về xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm; các chính sách về phòng ngừa, bảo vệ người chưa thành niên đối với hoạt động mại dâm; các hành vi vi phạm quyền trẻ em trong lĩnh vực phòng chống mại dâm; khung pháp lý về can thiệp, giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện lồng ghép chương trình phòng, chống mại dâm vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của cơ quan, đơn vị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng, chống mại dâm ở địa phương, đơn vị.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành thông qua xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, duy trì cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương về công tác phòng, chống mại dâm. Cùng với ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng vào các hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng; các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia công tác hỗ trợ xã hội, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm…

Lê Việt

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công