Hà Nội: Tăng cường giải pháp ngăn ngừa sai phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
(LĐXH) Nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu (XKLĐ) tránh những sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, vừa qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố đã có công văn đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh các hoạt động tuyển chọn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Các doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại trụ sở chính các nội dung: Số lượng lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài”…
Đây là một trong những yêu cầu của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn Thành phố, nhằm chấn chỉnh nghiêm công tác này.
Được biết, trong thời gian qua, công tác XKLĐ được thành phố Hà Nội xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác XKLĐ như đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ; Thường xuyên cập nhật các thông tin về các thị trường lao động, các chính sách pháp luật, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông như báo, đài, và các phương tiện truyền thanh; Tích cực phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và xã hội) thực hiện tốt các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, nhằm chấn chỉnh hoạt động XKLĐ tránh những sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, năm 2018, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố đã có công văn đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh các hoạt động tuyển chọn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại trụ sở chính các nội dung: Số lượng lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Khi tuyển chọn lao động ở địa phương, doanh nghiệp hoạt động XKLĐ và chi nhánh doanh nghiệp hoạt động XKLĐ phải xuất trình Giấy phép và thông báo với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động; doanh nghiệp phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Song song với đó, các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể như: Ký hợp đồng với người lao động ít nhất 5 ngày trước khi người lao động xuất cảnh và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của người lao động.
Doanh nghiệp hoạt động XKLĐ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố cũng yêu cầu trước ngày 20/6 và 20/12 hàng năm, doanh nghiệp hoạt động XKLĐ và chi nhánh doanh nghiệp hoạt động XKLĐ phải báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về số lượng người lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương theo Phụ lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Quang Tuấn
TAG: