Hà Nội: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ
(LĐXH) - Xác định nguồn vốn vay góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách giúp hàng nghìn phụ nữ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Khuyến khích tạo việc làm cho lao động nữ
Nhằm thực hiện tốt các dự án hỗ trợ việc làm, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của phụ nữ, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 – 2021 và hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng với đó, Hội LHPN thành phố đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đăng ký các nội dung thi đua “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường”; tổ chức rà soát lại hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật và xúc tiến thương mại cho cán bộ, hội viên. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ hoạt động nữ doanh nghiệp thông qua định hướng sinh hoạt CLB nữ doanh nghiệp từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ sở, tập trung tuyên truyền vận động các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội cũng tăng cường phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chương trình dự án để khai thác các nguồn lực hỗ trợ vốn và tuyên truyền các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Cơ chế quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng luôn được Hội quản lý chặt chẽ từ cơ sở. Theo đó, các cấp Hội thường xuyên khảo sát và lựa chọn thành viên vay vốn đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn phù hợp với từng nguồn vốn vay đảm bảo công khai, dân chủ. Việc thu hồi vốn và lãi tín dụng được thực hiện tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn... tạo điều kiện cho người vay vốn tiết kiệm chi phí đi lại. Cùng với đó, Hội sẽ lựa chọn, tập trung đầu tư cho những hộ vay với mục tiêu tạo thêm việc làm có thu nhập, ưu tiên xét cho vay nguồn vốn lớn hơn đối với các dự án phát triển nghành nghề truyền thống, các dự án dịch vụ chế biến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp này thu hút, tạo việc làm cho lao động nữ. Để làm tăng hiệu quả sử dụng vốn, các cấp Hội đã kết hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, phổ biến kinh nghiệm sản xuất giúp hội viên làm ăn có lãi và bảo toàn vốn. Thông qua đó, chị em đã biết cách xây dựng và thẩm định các dự án, biết hướng dẫn hội viên lập kế hoạch, lựa chọn loại hình sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các quận, huyện và các ngành liên quan tổ chức cung cấp thông tin tư vấn doanh nghiệp; tác động về chính sách đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ; hình thành và phát triển mạng lưới các câu lạc bộ, hiệp hội tập hợp các nữ chủ doanh nghiệp giúp chị em kết nối kinh doanh phát triển sản xuất và tạo ra nhiều chỗ làm việc mới cho phụ nữ.
Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) mở xưởng may nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện
Với sự nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ cùng sự phối kết hợp chặt chẽ với NHCSXH, qua 5 năm thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn, đến nay, hoạt động của các cấp Hội ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả. Hội LHPN Hà Nội luôn là đơn vị có dư nợ lớn, chiếm trên 50% tổng dư nợ chi nhánh NHCSXH thành phố ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể. Tính đến cuối năm 2019, các cấp Hội trên địa bàn có 3.925 tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 131.733 hộ gia đình vay 14 chương trình với tổng dư nợ 4.730 tỷ 303 triệu đồng. Đến nay, 100% các tổ TK&VV của Hội được thành lập theo địa bàn dân cư; duy trì tiền gửi tiết kiệm của các thành viên hàng tháng và nộp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương với tổng dư nợ là 249.017 triệu đồng. Qua đánh giá xếp loại, trên địa bàn thành phố có 3.902 tổ TK&VV xếp loại tốt (tỷ lệ 99,4%).
Vươn lên nhờ nguồn vốn vay
Sau 5 năm, cùng với nhiều nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 11.470 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động có thu nhập ổn định; sinh viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng và sửa chữa 679 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa; hỗ trợ 792 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hằng năm, Thành hội đã kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác 100% quận, huyện, thị xã; tăng cường tập huấn… góp phần nâng cao chất lượng tín dụng; việc hoàn trả vốn gốc, lãi đúng hạn; thỏa thuận và cam kết được thực hiện có hiệu quả.
Là một trong những địa phương sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Ba Vì đã triển khai nhiều giải pháp lồng ghép các hoạt động vay vốn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tham gia phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp& phát triển nông thôn thông qua Hội LHPN huyện là 542.947,4 triệu đồng cho 10.797 hội viên phụ nữ vay vốn. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã phát huy có hiệu quả mô hình “Tiết kiệm tại chi hội” được huy động từ nguồn vốn trong nội bộ hội viên với kinh phí trên 11,27 tỷ đồng cho 1.884 hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, huyện Ba Vì còn tiến hành công tác bình xét cho vay, quản lý, hướng dẫn sử dụng vốn vay; kiểm tra, giám sát hoạt đông vay vốn. Thông qua hoạt động ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội, các cấp Hội phụ nữ huyện Ba Vì đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo; hàng nghìn hội viên, phụ nữ và gia đình tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hay như tại Quận Hai Bà trưng, tính đến ngày 30/7/2020, dư nợ do các cấp hội phụ nữ đang quản lý là 116 tỷ 194 triệu đồng, cho 2.808 hộ vay, với 120 tổ tiết kiệm và vay vốn (trong đó: cho vay hộ mới thoát nghèo 3 tỷ 306 triệu đồng cho 92 hộ vay; cho vay giải quyết việc làm 104 tỷ 369 triệu đồng cho 2.613 hộ vay; cho vay mua nhà ở xã hội 4 tỷ 390 triệu đồng cho 8 hộ vay). Huy động tiền gửi tiết kiệm tại tổ tiết kiệm và vay vốn, tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH, thực hiện đúng quy trình vay vốn. Các phường có mức tiền gửi cao: Thanh Lương, Quỳnh Mai, Quỳnh Lôi, Bạch Mai (mức gửi thấp nhất 500.000đ/tháng, cao nhất 2 triệu đồng/tháng). Công tác cho vay vốn được bình xét công khai, có giám sát của cả hệ thống chính trị để đảm bảo khách quan, công bằng; nguồn vốn cho vay đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng; người vay sử dụng vốn đúng mục đích và hạn chế rủi ro. Công tác quản lý nguồn vốn được thực hiện nghiêm túc; việc thu nợ, thu lãi đúng kế hoạch; đến thời điểm hiện tại không có phường nào phát sinh nợ quá hạn. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân làm ăn có hiệu quả, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Giới thiệu sản phẩm do doanh nghiệp nữ khởi sự kinh doanh
Ngoài việc lồng ghép thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế, giúp chị em từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, Hội còn triển khai có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025". Sau hai năm triển khai, đề án đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Anh, thành phố đã giúp hơn 1.350 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; thành lập 10 HTX và 53 tổ hợp tác, tổ liên kết. Riêng năm 2019 vừa qua, Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 680 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, tổ chức 180 lớp tập huấn. Thông qua các hoạt động này, hội viên được tiếp cận với những kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, những ý tưởng sáng tạo, khả năng ứng dụng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn đã được hỗ trợ, tuyên truyền rộng rãi, đem lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Theo bà Lê Kim Anh, trong thời gian tới, để làm tốt hơn hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nội dung đã được ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó cần quan tâm hoạt động của tổ TK&VV – “hạt nhân” trong tổ chức hoạt động ủy thác tại cơ sở, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ để kịp thời củng cố kiện toàn, có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận; các cấp Hội dành thời gian thỏa đáng cho công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra thường xuyên, theo chỉ tiêu để quản lý tốt nguồn vốn, kịp thời chấn chỉnh vấn đề phát sinh (nếu có); bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác tại quận, huyện cơ sở.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: