Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hạ Hòa (Phú Thọ) quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động
03:29 PM 26/05/2019
(LĐXH)- Những năm qua, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) đã xác định giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp hiệu quả giúp người dân tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nhằm hướng đến tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động, Đảng bộ, chính quyền Hạ Hòa đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo việc làm tại địa phương bằng việc khuyến khích, hỗ trợ các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin về việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước và xuất khẩu lao động. Trong đó đặc biệt chú trong tới giải pháp thúc đẩy công tác giải quyết việc làm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề… Nhờ đó, nhiều gia đình đã cố gắng, chủ động tăng gia sản xuất, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình. Kết quả, chỉnh tính trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm huyện Hạ Hòa giải quyết việc làm mới cho trên 1.100 lao động địa phương.
Nhiều mô hình vay vốn giải quyết việc làm ở Hạ Hòa mang lại hiệu quả tích cực
Với đặc thù chủ yếu là đồng chiêm trũng, ruộng bậc thang nên hàng năm nông dân ở xã Yên Luật chỉ cấy một vụ lúa, vụ còn lại tận dụng mặt nước để thả cá xen canh, mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Tranh thủ lợi thế đó, nhiều năm qua, gia đình anh Trần Trung Kiên ở khu 4 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp VAC, mang lại thu nhập cao. Hiện trang trại của anh nuôi 2.000 vịt đẻ và 7,8ha nuôi tôm càng xanh, thả cá giống và nuôi cá thương phẩm. Nhờ phát triển quy mô trang trại, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng và tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương.
Ông Trần Anh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Luật cho biết: Mô hình 1 lúa 1 cá ở xã đã nhân rộng với hơn chục hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích 38,7ha, sản lượng thu hoạch trên 193 tấn/năm. Từ nguồn lợi chăn nuôi thủy sản mang lại kết hợp chăn nuôi bò, trâu thương phẩm đã thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển. Đến nay, thu nhập bình quân trong xã đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,35%”.
Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Hạ Hòa giảm xuống còn 9,27%, cận nghèo còn 7,4%. Để đạt được kết quả này, Hạ Hòa đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về công tác giảm nghèo. Qua đó, kịp thời chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những tồn tại, thiếu sót trong công tác tổ chức thực hiện nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 đã tập trung hỗ trợ con giống, cây trồng, phân bón, thuộc bảo vệ thực vật, thiết bị máy móc… cho hàng nghìn lượt hộ, người lao động. Việc đa dạng hình thức tổ chức sản xuất đã thu hút người lao động và các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình và tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất. Đến nay, toàn huyện có hơn 170 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và 11 làng nghề hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Hạ Hòa còn tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm cho bản thân và gia đình, góp phần cải thiện cuộc sống. Kể từ năm 2016 đến nay, thông qua chính sách tín dụng đã giúp khoảng 1.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, nhà ở được quan tâm thực hiện đầy đủ theo quy định. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực trong triển khai chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo được đẩy mạnh. UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi năm, huyện có hơn 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tranh thủ lợi thế về nguồn lao động trong độ tuổi dồi dào, những năm qua, Hạ Hòa còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Gần 10 năm qua, huyện đã mở gần 200 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho khoảng 6.600 lao động nông thôn ở cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng từ 35,7% (năm 2010) lên gần 58% năm (2019). Thông qua dạy nghề đã trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho một bộ phận người lao động trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
Có thể khẳng định, bằng các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác giải quyết việc làm đã giúp huyện Hạ Hòa giảm nghèo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.    

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động