Hà Giang quan tâm hỗ trợ người lao động các huyện 30a đi làm việc ở nước ngoài
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác xuất khẩu lao động được xác định là "đòn bẩy" giúp các huyện 30a trên địa bàn Hà Giang hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Do đó, tỉnh đã đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người lao động tại các huyện nghèo.
Tỉnh Hà Giang có 6 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a, gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần (sau này có thêm huyện Bắc Mê được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020).
Trên thực tế, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở Hà Giang nói chung đã có những tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân về việc tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) và tích lũy vốn cho người lao động. Đặc biệt, XKLĐ không chỉ góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững mà còn là cơ hội để các huyện 30a nói riêng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa giúp người dân tại các huyện nghèo được tham gia XKLĐ, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các huyện tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ đến các xã, thị trấn. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về XKLĐ; giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động tích cực của XKLĐ đối với vấn đề việc làm, giảm nghèo cũng như tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về XKLĐ.
Tiếp đến, Sở Lao động - TBXH cũng đã thường xuyên phối hợp với các xã thuộc huyện 30a tổ chức hội nghị tham vấn, tư vấn về XKLĐ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động... Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động tham gia XKLĐ được vay vốn; ưu tiên cho các đối tượng gia đình chính sách người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay đi XKLĐ; giao chỉ tiêu XKLĐ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu UBND các xã, thị trấn thuộc huyện nghèo trong việc giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên công tác XKLĐ ở Hà Giang bị chững lại, nhất là việc đưa lao động thuộc các huyện 30a sang Trung Quốc làm việc buộc phải tạm dừng theo quy định. Tuy nhiên, trong năm 2019 đã có 1.291 lao động đi làm việc theo Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới ký với châu Văn Sơn và Hà Khẩu, với mức lương trung bình từ 1.700 - 2.400 nhân dân tệ/người/tháng, tương đương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, còn có 13.927 lượt lao động tự do thuộc các huyện 30a sang Trung Quốc làm việc mùa vụ, ngắn ngày. Công việc chính làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, may mặc, điện tử...
Tính từ năm 2016 – 2020, Hà Giang đã tổ chức tập huấn cho 5.423 cán bộ cơ sở về công tác XKLĐ; tư vấn về chính sách xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 và thông tin về thị trường XKLĐ cho 138.327 lượt người dân thuộc huyện nghèo... Đến nay, đã có 2.574 lao động đi làm việc tại nước ngoài, gồm các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả rập xê út… và đi làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới với tổng số kinh phí hỗ trợ là 13,183 tỷ đồng.
Có thể nói, công tác XKLĐ tại các huyện 30a ở Hà Giang đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh. Ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, Hà Giang giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo). Trong đó, 6 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6% tỷ lệ hộ nghèo), riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.
Chí Tâm
TAG: