Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hà Giang gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
02:47 PM 05/09/2019
(LĐXH)- Hà Giang là tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số, trong đó độ tuổi từ 15 - 35 chiếm gần 30% dân số. Do đó, tỉnh đã xác định tạo mở việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững trong công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh...
Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Hà Giang, trao đổi: Công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nói riêng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh để ưu tiên, khuyến khích học sinh, người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, đi xuất khẩu lao động ngoài tỉnh... Bên cạnh đó, công tác này cũng được các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên số lao động được giải quyết việc làm hàng năm đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống nhân dân, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Giờ thực hành sửa chữa động cơ ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Hà Giang

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Giang đã chủ động xây dựng mới, chỉnh sửa chương trình, giáo trình các nghề thống nhất trên địa bàn theo chủ trương tăng thời gian thực học; mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách linh hoạt khuyến khích, động viên các nhóm đối tượng tham gia học nghề, cụ thể: với những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng chính sách nội trú, được miễn hoặc giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập, lệ phí tuyển sinh, được cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành. Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số…
Không chỉ vậy, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng từng bước mở rộng quy mô, lĩnh vực đào tạo, đổi mới cải tiến nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thiết thực và phù hợp, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng được đa dạng hóa và hoàn thiện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp được các cấp, các ngành quan tâm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khi tuyển dụng lao động đã ưu tiên tuyển lao động tại chỗ và người địa phương. Hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động có sự năng động và sáng tạo, dần dần không thụ động trông chờ vào Nhà nước, người lao động đã tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm, không phân biệt thành phần kinh tế.
Điểm nổi bật trong công tác giải quyết việc làm ở Hà Giang là việc tỉnh thành lập các đoàn đi khảo sát, tiếp cận thị trường lao động và ký kết cung ứng lao động với các tỉnh như: Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và thành phố Hải Phòng... Do đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến Hà Giang tuyển dụng lao động, như: Sam Sung, Canon, Bujeon, LG Display, Tập đoàn May, Công ty may Tinh Lơi... tuyển dụng hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. Các huyện, thành phố thành cũng lập đoàn khảo sát, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, đồng thời chủ động tổ chức ngày hội việc làm, ngày hội khởi nghiệp và việc làm với sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động; qua đó tạo kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động tiếp cận với các đơn vị tuyển dụng để có sự lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Sở Lao động - TBXH đã có hàm thư (thông qua Sở Ngoại vụ) gửi Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); UBND các huyện biên giới chủ động đề xuất, mở các cuộc hội đàm với chính quyền các huyện bên phía nước bạn Trung Quốc để triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận quản lý, hợp tác lao động.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với các huyện, doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho 5.196 người (đạt 79,9% kế hoạch năm), giới thiệu việc làm cho 777 người (đạt 86,3%); toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 13.271 lao động, đạt 80,1% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh là 7.941 người); đưa hơn 400 lao động sang Trung Quốc làm việc.
Bằng các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách mới, linh hoạt đã tạo thêm động lực, là “cú hích” để chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở Hà Giang đi vào thực chất. Cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực từ khu vực nông, lâm nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Qua khảo sát thực tế cho thấy, người lao động được giải quyết việc làm đã thu nhập ổn định với mức từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng tùy vào từng vị trí việc làm; cá biệt có lao động làm việc tại các Công ty của Tập đoàn Than khoáng sản Việt nam từ 15 – 20 triệu đồng, làm tại Công ty Sam Sung trên 10 triệu đồng…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật