Để giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, huyện Na Hang tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp; thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 12 lớp đào tạo nghề cho 389 lao động nông thôn, kinh phí gần 791 triệu đồng. 100% học viên đều là người dân tộc thiểu số.
Huyện còn tập trung chỉ đạo các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, xã Hồng Thái đã xây dựng được 5 ha rau an toàn và 24 ha cây lê. Tại các xã Yên Hoa, Đà Vị, Sinh Long, Côn Lôn phát triển mô hình trồng đậu tương, đậu xanh; mô hình cải tạo chè Shan tại xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Na Hang, mô hình nuôi trâu vỗ béo tại xã Năng Khả... Toàn huyện đã phát triển được 3 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản. Các mô hình đã tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 2.704 hộ được vay 14,8 tỷ đồng phát triển kinh tế. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, toàn huyện có 567 hộ vay trên 30,3 tỷ đồng đầu tư mua trâu sinh sản, phát triển mô hình cá lồng…
Đặc biệt, các mô hình kinh tế này được phát triển mạnh trong lực lượng thanh niên, tạo niềm tin mạnh mẽ về những kết quả khả quan để thay đổi bộ mặt địa phương trong thời gian tới. Huyện đoàn đã chủ động phối hợp tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho 350 đoàn viên thanh niên; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 240 thanh niên, trong đó đa số là thanh niên người dân tộc thiểu số. Tổ chức Đoàn đã xây dựng 14 mô hình kinh tế cho thu nhập cao, 1 mô hình câu lạc bộ phát triển kinh tế, 2 mô hình trang trại trẻ. Trong năm, từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 120 đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho thanh niên dân tộc thiểu số phát triển 4 mô hình kinh tế tại xã Hồng Thái. Đồng thời, Đoàn đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.146 hộ vay gần 51 tỷ đồng phát triển kinh tế.
Tính đến hết tháng 10/2018, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 1.455 lao động, đạt 92,67% mục tiêu đề ra (1.570 lao động). Trong đó, 90% lao động là người dân tộc thiểu số. Nhờ hiệu quả của công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ giảm nghèo của huyện thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo rà soát, đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,85%, đạt 100% kế hoạch năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 34,31%.
Trần Huyền