Giải pháp nào cho thị trường lao động các tỉnh phía Nam?
(LĐXH) - Đợt dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua đã khiến thị trường lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có những biến động mạnh. Nhiều lao động không có việc làm, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, công suất, thậm chí tạm dừng hoạt động. Tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp giai đoạn sau giãn cách đang được các địa phương trong vùng tập trung triển khai.
Dịch bệnh bùng phát, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, tâm lý ở những khu vực nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê. Nhiều người đã tự phát về quê bằng các phương tiện cá nhân. Nhiều người về quê theo kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo theo dõi y tế, phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, một số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... dẫn đến nguy cơ "thiếu hụt lao động" với số lượng lớn trong và sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Tính đến hết tháng 9, đầu tháng 10/2021, dịch đã được kiểm soát, chiến lược phòng, chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, gắn với phôi phục các hoạt động kinh tế. Những thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực được các đơn vị chức năng của từng địa phương tăng cường thực hiện, góp phần đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố, trong 3 tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhân lực tại thành phố cần khoảng trên 43.600-56.800 chỗ làm việc, tập trung vào các ngành nghề như: kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, cơ khí-tự động hóa, vận tải-cảng-kho bãi, du lịch-nhà hàng-khách sạn... Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với khoảng trên 87% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm gần 13%.
Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng gần đây đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ và cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… khiến chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động. Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.
Trước thực trạng trên, thành phố đã đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động bằng nhiều hình thức thức phù hợp thông qua các sàn giao dịch trực tuyến, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Từ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với “gói” việc làm “3 trong 1”(giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ, xét nghiệm COVID-19 miễn phí) nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm đến, ở lại thành phố tìm việc được nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong thời gian diễn ra chương trình, Trung tâm phối hợp với mạng lưới các đơn vị dịch vụ việc làm của tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, tổ chức Công đoàn ở các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động. Ngay trong những ngày đầu tháng 10, chương trình đã nhận được sự tham gia của trên 170 doanh nghiệp với hơn 50.000 vị trí tuyển dụng, việc làm.
Thị trường lao động các tỉnh phía Nam đang gặp nhiều thách thức
Tại tỉnh Bình Dương, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động; khoảng 750.000 người phải ngừng việc và dự báo trong thời gian tới tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000 - 50.000 lao động. Thời gian dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 250.000 người. Theo Trung tâm DVVL tỉnh, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để khôi phục hoặc mở rộng sản xuất như: công ty Techtronic Industries, chuyên sản xuất thiết bị điện cầm tay, thiết bị điện sử dụng ngoài trời có kế hoạch tuyển dụng 3.000 công nhân sản xuất cho 4 nhà máy của công ty đóng ở một số khu công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát.
Riêng tại Đồng Nai, tính đến hết tháng 9, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến với 28 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, trong đó có 15 doanh nghiệp đăng ký phỏng vấn trực tuyến tại sàn với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm số lượng lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: may mặc, giày da, điện tử… nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, giúp người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phỏng vấn, tương tác một cách thuận lợi; tăng cường tuyên truyền, động viên người lao động, nhất là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia phỏng vấn trực tuyến để sớm có việc làm trở lại.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: