Giai đoạn 2021-2025: Cà Mau đặt mục tiêu tạo 200.000 việc làm mới
(LĐXH)-Xác định, công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ lệ lao động có việc làm trong tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời sử dụng quỹ quốc gia về việc làm đúng mục đích, theo hướng tập trung, kịp thời và có hiệu quả. Khuyến khích tạo việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phát triển thị trường lao động, xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống thông tin thị trường lao động. Tạo việc làm từ hoạt động tuyển dụng, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện công tác giải quyết việc làm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, tỉnh này đã đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 là 190.000 lao động.
Năm 2019, tỉnh Cà Mau đã đã giải quyết việc làm cho 39.565/38.500 lượt người, đạt 102,8 % kế hoạch, trong đó GQVL trong tỉnh 14.837; ngoài tỉnh 24.413 người và xuất khẩu 315 lao động. Theo đánh giá, lĩnh vực XKLĐ đã tiếp tục được đẩy mạnh khi số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng 163% so với năm 2018. Để phục vụ cho công tác quản lý, thống kê số lượng lao động được chặt chẽ, Sở cũng đã tham mưu trình được tỉnh chấp thuận cho xây dựng phần mềm quản lý lao động và đưa vào vận hành vào từ năm 2020. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc đúng quy định về công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm 2019, tổng số lao động nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 29 người, trong đó, đã cấp phép lao động: 25 người, không thuộc diện cấp phép: 04 người. Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, trong tháng 9/2020, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài cho 2 cơ quan, doanh nghiệp, nhà thầu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm ngoại ngữ Khôi Việt 1 người (giáo viên dạy tiếng Anh) và Công ty TNHH Blue Bay 1 người (là chủ quản). Tổng số đến nay tỉnh này có 22 người nước nước ngoài làm việc trên địa bàn.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã quản lý rất tốt lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, như: Thường xuyên tuyên truyền phổ biến các quy định, pháp luật của Nhà nước về quản lý lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để hỗ trợ kết nối giữa giữa người lao động và doanh nghiệp;…
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã giải quyết kịp thời các trường hợp yêu cầu về chính sách liên quan trong quan hệ lao động, không có trường hợp để xảy ra lao động tập trung đông người yêu cầu chính sách làm mất an ninh, trật tự ảnh hưởng chung của tỉnh. Năm 2019, Sở LĐTBXH đã hướng dẫn, thẩm định, tiếp nhận đăng ký 180 Nội quy lao động doanh nghiệp và Thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực thi hành là 110 Doanh nghiệp. Có 220 doanh nghiệp thực hiện thang lương do người sử dụng lao động quyết định, bao gồm 5/5 công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán diễn biến phức tạp đã và đang tác động nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh Cà Mau nói riêng; các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng, tác động lớn, nhất là xuất khẩu thủy sản, dịch vụ, du lịch; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanhnhiều mặt hàng nông sản, hàng hóa của người dân khó tiêu thụ, giá cả sụt giảm...; ; lao động thất nghiệp, mất việc làm; thu nhập của người dân bị giảm sâu, sinh hoạt và đời sống một số đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, hằng năm, tỉnh Cà Mau giải quyết việc làm cho trên 38.000 lao động. Ước đến hết năm 2020, tổng cộng giải quyết việc làm cả giai đoạn là trên 195.700 lao động (đạt 103% kế hoạch chỉ tiêu đưa ra).
Thông qua các phiên giao dịch việc làm với 4 phiên giao dịch/năm, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu tuyển sinh, tuyển chọn lao động và người lao động có nhu cầu tìm việc tham gia, góp phần rất lớn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, đại diện Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho rằng, là địa bàn sông nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thông tin,…ở các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống, tiêu thụ sản phẩm, cũng như khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm đối với người lao động.
Còn trong công tác giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn qua, chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa cao; lực lượng lao động qua đào tạo khá nhiều nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp nghề và ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự năng động, nhạy bén để bắt kịp với những yêu cầu mới về ngành nghề, trình độ đào tạo; chưa quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu, tư vấn việc làm cho sinh viên, cũng như chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và tạo việc làm cho người học sau đào tạo.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã cho vay hơn 215 tỷ đồng. Bình quân hàng năm có trên 1.000 dự án vay vốn, góp phần duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho trên 1.500 lao động.
“Việc cho vay vốn được triển khai thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho hộ gia đình”, báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau đánh giá.
Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này phấn đấu giải quyết việc làm cho 200.000 lao động, bình quân hàng năm là 40.000 lượt lao động. Phấn đấu đào tạo nghề cho 140.000 lao động; trong đó đào tạo chất lượng tay nghề cao khoảng 13.400 người (có trình độ cao đẳng 10.400 người)./.
Mỹ Hằng
TAG: