Năm 2025 chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của vàng, vượt mọi dự đoán. Từ ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng quốc tế liên tục lập đỉnh, chạm mốc 3.049 USD/ounce vào nửa cuối tháng 3. Nhiều người đã mua vàng trước đó không khỏi vui mừng vì tài sản tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, niềm vui này lại không trọn vẹn khi nhìn vào tình cảnh của các chủ tiệm vàng. Giá vàng tăng cao, lẽ ra các tiệm vàng phải ăn nên làm ra, nhưng thực tế lại ảm đạm. Bên cạnh đó, gánh nặng vàng cưới cũng khiến nhiều cặp đôi chán nản, lo lắng.

Nỗi lòng của các cặp uyên ương và gánh nặng vàng cưới
Theo 163, giá vàng tăng vọt đã tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống, trong đó có cả chuyện cưới xin. Theo thống kê, khách hàng của tiệm vàng chủ yếu là hai nhóm, giới nhà giàu và các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Trước đây, sính lễ cưới hỏi thường có "tam kim" (ba món vàng) gồm dây chuyền, nhẫn, bông tai. Về sau, "tam kim" dần nâng cấp thành "ngũ kim" (năm món vàng) thêm vòng tay và mặt dây chuyền hoặc trâm cài/vương miện/mũ đội.

Tuy nhiên với giá vàng hiện tại, vàng cưới trở thành gánh nặng tài chính không nhỏ cho các cặp đôi. Một bộ "ngũ kim" trung bình, với nhẫn từ 4 gram, bông tai 3 gram, dây chuyền, vòng tay, mặt dây chuyền khoảng 15 gram mỗi món, tổng cộng cũng phải 60 gram trở lên. Tính ra, chi phí tối thiểu cho "ngũ kim" đã lên tới 80.000 tệ (282,7 triệu đồng), một con số không hề nhỏ.
Nhiều chàng trai "méo mặt" vì chi phí cưới xin đội lên quá cao, vàng cưới lại là thứ không thể thiếu, nếu không mua e rằng nhà gái sẽ không hài lòng. Tình cảnh này cũng khiến nhiều cô dâu tương lai lo lắng, giá vàng cao ngất ngưởng khiến các chàng trai chùn bước, nguy cơ độc thân lâu dài lại càng tăng cao.

Theo ghi nhận của Sina, anh Từ, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chia sẻ, anh đang chuẩn bị mua bộ vàng cưới "ngũ kim" để kết hôn. Đầu năm nay, khi giá vàng khoảng 600 nhân dân tệ (khoảng 2,1 triệu đồng)/gram, anh và bạn gái đã thấy đắt. Hiện tại lại càng khó xử hơn, đã lên vượt qua mốc 900 nhân dân tệ (khoảng hơn 3,2 triệu đồng)/gram, nếu mua thì tốn thêm 7000 nhân dân tệ (khoảng 24,7 triệu đồng), không mua thì ngày cưới đã quá sát, không đợi được nữa.
Chủ tiệm vàng than trời: "Đóng cửa cho xong!"
Trong khi nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng cao, tiệm vàng sẽ ngồi mát ăn bát vàng thì các chủ tiệm lại đau buồn, chỉ mong giá vàng hạ nhiệt. Giá vàng niêm yết tại các tiệm vàng chưa phải là giá cuối cùng mà khách hàng phải trả. Để biến vàng thô thành trang sức, cần trải qua quá trình chế tác, gia công, chi phí này thường đội giá lên khoảng 30% so với giá vàng gốc.
Điều này khiến những cặp đôi chuẩn bị mua vàng cưới phải đắn đo hơn. Số tiền dự định ban đầu đã đủ mua nhưng hiện tại lại không mua không được. Khách hàng đến tiệm vàng chủ yếu chỉ còn các cặp đôi có nhu cầu cưới hỏi, còn giới đầu tư lớn thì án binh bất động vì lo ngại rủi ro.

Tâm lý chung của người mua vàng là "mua thấp bán cao", giá vàng càng lên cao, nhu cầu đầu tư càng giảm. Mua vàng ở thời điểm giá cao như hiện nay, rủi ro "đu đỉnh" rất lớn. Do đó, lượng khách hàng của tiệm vàng sụt giảm nghiêm trọng.
Không chỉ lo ế hàng, các chủ tiệm còn đau đầu với bài toán nhập hàng. Giá vàng cao giúp họ lãi từ hàng tồn kho, nhưng nhập hàng mới với giá này là một ván cược"lớn. Nếu giá vàng quay đầu giảm, hàng tồn kho mới nhập sẽ chôn vốn. Trong khi đó, các nhà cung cấp vàng lại sốt ruột muốn bán tháo vàng ra để chốt lời, càng gây thêm áp lực cho các tiệm vàng.
Tình trạng này kéo dài, khách hàng vắng vẻ, chi phí nhập hàng cao, nhu cầu thị trường giảm, nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ không trụ nổi đã phải ngậm ngùi đóng cửa "cho xong". Ngay cả các ông lớn ngành trang sức cũng phải đóng bớt các cửa hàng chi nhánh, chỉ để lại những cửa hàng có doanh thu cao.
Cuộc thanh lọc ngành kim hoàn
Tại Trung Quốc có những con phố tập trung dày đặc các tiệm vàng với tên gọi na ná nhau như "Lục Phúc", "Chu Lục Phúc", "Chu Đại Phúc", "Chu Đại Sinh", "Chu Sinh Sinh"... Trong đó, nổi tiếng nhất là "Chu Đại Phúc" (Chow Tai Fook), còn lại đa phần là các thương hiệu ăn theo, ké danh. Chiêu bài này giúp họ được lợi từ khách hàng của các thương hiệu lớn.
Bất kỳ ngành nghề nào cũng không tránh khỏi cạnh tranh nội bộ, ngành kim hoàn cũng vậy. Các tiệm vàng mọc lên như nấm, khiến người tiêu dùng hoa mắt và liên tục so sánh giá cả. Để cạnh tranh, nhiều tiệm vàng chọn chiến lược lấy số lượng, tức bán lời ít nhưng tiêu thụ số lượng lớn, cộng gộp lại lợi nhuận vẫn chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Sohu, một số tiệm vàng lại dùng chiêu trò để "móc túi" khách hàng. Ví dụ, vàng giá cố định khiến khách hàng tưởng là khuyến mãi, nhưng thực chất là vàng non tuổi, hàm lượng thấp, thậm chí rất nhẹ. Sản phẩm vàng bọc ngọc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngọc có thể là loại rẻ tiền, giá vài chục tệ. Chương trình đổi vàng cũ lấy vàng mới cũng là mảnh đất màu mỡ cho các tiệm vàng làm giá. Họ có thể "luộc" vàng của khách, đổi vàng đặc lấy vàng rỗng, khách hàng tưởng đổi mới nhưng thực chất bị thiệt hại rất nhiều tiền.
Giá vàng quốc tế vốn minh bạch, lợi nhuận của tiệm vàng chủ yếu đến từ phí gia công và chênh lệch giá. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận của các tiệm vàng vốn đã không cao. Giá vàng tăng cao càng khiến những tiệm vàng nhỏ, vốn yếu dễ bị đào thải khỏi thị trường.
Những tiệm vàng có thể trụ vững trong cơn bão giá vàng này đều là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và khả năng quản trị rủi ro tốt. Tuy nhiên, ngay cả những ông lớn này cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Nếu giá vàng tiếp tục leo thang, nguy cơ nhiều tiệm vàng biến mất khỏi thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lê Nguyên