Gia Lai: Tập trung thực hiện đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH) Thời gian qua, công tác trợ giúp xã hội được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng thực hiện, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của các đối tượng thụ hưởng được cải thiện đáng kể và từng bước nâng cao.
Hỗ trợ gạo cho người dân trên địa bàn tỉnh
Trong năm 2018, tỉnh Gia Lai đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên cho các đối tượng yếu thế. Sở Lao động - TBXH tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật bảo trợ xã hội như phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục được phát sóng hàng tháng trong các bản tin thời sự của địa phương; phối hợp với Báo Gia Lai xây dựng 10 tin bài về các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện nhân bản 1.200 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ năng chăm sóc cho người khuyết tật, người tâm thần cấp cho các hộ gia đình; 3.500 cuốn tài liệu sổ tay hướng dẫn thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội các cấp.
Tăng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và đội ngũ nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội, qua đó giúp cho cán bộ làm công tác bảo trợ ở các cấp, đặc biệt là cấp xã, thôn, làng nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Tổ chức tập huấn cho đại diện 400 hộ gia đình có nuôi dưỡng người tâm thần và cán bộ cấp xã, huyện tại các huyện: Ia Pa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Pưh. Tại các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật xây dựng tài liệu tuyên truyền về các chế độ chính sách cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… theo tinh thần của Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi… Thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại các thôn, làng, tổ dân phố để người dân hiểu biết các chế độ, chính sách của Nhà nước. Tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Thông qua các buổi họp thôn, làng, các buổi tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật lồng ghép vào các nội dung bảo trợ xã hội để người dân nắm bắt, thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai thường xuyên theo dõi, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng hóa, lương thực cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác. Trong năm 2018, đã hỗ trợ kịp thời gạo cứu đói cho các hộ thiếu lương thực nhân các dịp Tết nguyên đán và các đợt do thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Từng bước quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và dịch vụ trợ giúp xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 09 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 02 cơ sở công lập và 04 cơ sở ngoài công lập. Trong đó 02 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em, 01 cơ sở tổng hợp. Tổng số đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở là 413 người, bao gồm trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người lang thang…
Thực hiện chế độ chính sách bảo trợ xã hội, trong năm 2018 tỉnh Gia Lai đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho 27.531 đối tượng. Trong đó: trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng là 680 trẻ; trẻ em mồ côi từ 16-22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học 89 người; trẻ em, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo 03 người; người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 15.768 người; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo 825 người; trẻ em và người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng 10.436 người; hộ gia đình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng 1.786 hộ. Kinh phí chi trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng hơn 150.810 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và dịch vụ trợ giúp xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 09 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 02 cơ sở công lập và 04 cơ sở ngoài công lập. Trong đó 02 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em, 01 cơ sở tổng hợp. Tổng số đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở là 413 người bao gồm trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người lang thang…
Tỉnh Gia Lai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, dân tộc thiểu số
Đối với chính sách trợ giúp đột xuất, tỉnh thường xuyên theo dõi, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng. Từ đầu năm đã chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng hóa, lương thực cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác. Trong năm, đã hỗ trợ kịp thời gạo cứu đói cho các hộ thiếu lương thực nhân các dịp Tết nguyên đán và các đợt do thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, Gia Lai đã tặng quà người cao tuổi 1.557 suất, trị giá 651 triệu đồng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước 665 suất, trị giá 313 triệu đồng; quà các địa phương cấp tỉnh, huyện 892 suất, trị giá 338 triệu đồng; Quà cho người nghèo 30.462 suất, quà cho đối tượng bảo trợ xã hội 32.352 suất. Sở Lao động - TBXH phối hợp với các địa phương tổng hợp tình hình thiếu đói trong dịp Tết và đói giáp hạt năm 2018 trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Kết quả, đã cấp 648.810 kg gạo cứu đói dịp Tết Mậu Tuất cho 43.254 khẩu, trong đó gạo cứu đói của Chính phủ cấp 556.065kg, các địa phương xuất ngân sách cấp 92.745kg; Cấp 617.010 kg gạo cứu đói giáp hạt năm 2018 do Chính phủ phân bổ cho 9.527 hộ với 41.134 nhân khẩu. Tiếp nhận 500 tấn gạo tại Cảng biển Cam Ranh do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão Damray và thiên tai năm 2017 cho 3.327 nhân khẩu bị ảnh hưởng ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố.
Trong công tác trợ giúp người khuyết tật, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng tổ chức khám sàng lọc 100 đối tượng khuyết tật. Phối hợp với Bệnh viện chỉnh hình phục hồi chức năng Quy Nhơn tổ chức đo khám làm dụng cụ chỉnh hình tay chân giả, giày nẹp miễn phí cho 30 người khuyết tật. Phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017; tổ chức Tọa đàm nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 với chủ đề “Xã hội chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”. Thăm, tặng 60 suất quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Phú Thiện và Ia Pa. Tổ chức điều tra, khảo sát thông tin người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức giám sát đánh giá thực hiện các chế độ chính sách tại các địa phương, nhất là trong chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội; cấp gạo cứu đói, hạn hán, hỗ trợ đột xuất, cấp phát bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác. Trong năm 2018, đã tiến hành kiểm tra tại 02/17 huyện, thị xã, thành phố, qua đó giúp cho các địa phương khắc phục được những tồn tại, vướng mắc và kiến nghị để xử lý kịp thời.
Nhìn chung, việc thực hiện đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội đã giúp cho đối tượng tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó từng bước ổn định và nâng cao đời sống. Các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được quan tâm và mức chuẩn trợ cấp xã hội theo Nghị định 136/20136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội kể từ ngày 01/01/2016. Nhờ đó, đời sống của các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được cải thiện và góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018 tiếp tục thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện, do đó góp phần giảm áp lực, giảm công viêc sự vụ cho phòng Lao động – TB và XH cấp huyện và cán bộ theo dõi, quản lý lĩnh vực xã hội cấp xã, để tập trung vào công tác chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng và thực hiện chế độ, chính sách cho đối tượng kịp thời, không bỏ sót đối tượng.
Công tác trợ giúp đột xuất được các ban, ngành trong tỉnh quan tâm với nhiều việc làm thiết thực
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tỉnh Gia Lai cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Do là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn khó khăn, số đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội khá lớn, sự biến động liên tục ở mỗi nhóm đối tượng. Mặt khác, đối tượng bảo trợ xã hội thường tập trung ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.Việc triển khai cập nhập phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội chưa được triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh, nên việc cập nhập, quản lý theo dõi, tăng, giảm đối tượng cũng như việc kiểm soát chi trả trợ cấp hàng tháng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một số đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số thông tin cá nhân của đối tượng còn nhiều bất cập, nhất là ngày tháng năm sinh của đối tượng, do đó ảnh hưởng đến công tác xét duyệt hồ sơ hưởng, điều chỉnh chế độ. Việc quản lý đối tượng và theo dõi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội ở một số địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến sai xót về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh. Trong quá trình thực hiện xác định mức độ khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật địa phương có một số vướng mắc vì bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác dùng cho việc xác định mức độ khuyết tật còn chung chung gây thiệt thòi cho đối tượng đặc biệt là đối tượng người mù, câm điếc.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong việc thực hiện những chính sách bảo trợ xã hội; Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cơ bản các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn (người tàn tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người già sống cô đơn không có nguồn nuôi dưỡng...) được hưởng trợ cấp xã hội. Theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các hoạt động cứu trợ và đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo trợ xã hội, đặc biệt là các chế độ chính sách của đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo đúng, đủ, kịp thời./.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất với Bộ Y tế ban hành danh mục các dạng tật và mức độ khuyết tật cho những dạng tật riêng biệt để giúp cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã có cơ sở để xác định dạng tật và mức độ khuyết tật chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng. Tiếp tục hoàn chỉnh phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội đồng bộ và có hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh, để đảm bảo việc cập nhập, quản lý theo dõi, tăng, giảm đối tượng cũng như việc kiểm soát chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng đạt hiệu quả cao.
Đỗ Thị Phượng
TAG: