Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Gần 94.000 lao động ở Tây Ninh phải tạm ngưng làm việc do đại dịch Covid -19
07:54 AM 24/10/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh, hiện nay, số lao động tạm ngưng làm việc do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 93.948 người, số lao động chấm dứt hợp đồng lao động 12.579 người.
Thống kê tính đến ngày 21/10/2021, tổng số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 2.680 đơn vị, với 223.675 lao động. Trong đó, số công ty, doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.505 doanh nghiệp. Số đơn vị giảm quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh là 247 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do đại dịch Covid -19 là 928 doanh nghiệp. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp 117.148 người.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã khiến lao động tự do trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng thất nghiệp. Điều này đã khiến cuộc sống của những người lao động tự do ngày càng thêm khó khăn, thu nhập bị giảm sâu so với trước khi có dịch bệnh.

Hiện nay, Tây Ninh còn 117.148 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp

Theo đánh giá, do tác động của đại dịch COVID-19, lao động phi chính thức là lực lượng dễ bị tổn thương nhất khi không có hợp đồng lao động, BHXH. Thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập rất thấp. Do việc làm không thường xuyên, thu nhập thấp, ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề, nên lao động phi chính thức rất dễ bị tổn thương, nhất là khi gặp biến cố.
Về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, do tác động của dịch COVID-19, hoạt động tuyển dụng trực tiếp tại doanh nghiệp phải hạn chế tối đa; các sàn giao dịch việc làm cũng phải tạm dừng; nhiều lao động phải thực hiện cách ly y tế do liên quan đến dịch bệnh; phát sinh thêm chi phí do thực hiện công tác phòng, chống dịch. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Cụ thể, trong tháng 10/2021 chỉ có 75 doanh nghiệp, tuyển dụng với 3.870 lao động, bao gồm: ngành công nghiệp 3.355 người, ngành nông - lâm - thủy sản 105 người, ngành thương mại - dịch vụ 410 người...
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp ở Tây Ninh đều mong muốn sớm được hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực. Đồng thời, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).
Đối với người lao động ngoài tỉnh, kiến nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong trường hợp tạm thời ngừng tham gia "3 tại chỗ" trở về nơi cư trú để giải quyết việc gia đình và quay lại doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ"…
Trước mắt, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mỗi lần luân chuyển công nhân ra vào phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Doanh nghiệp và người lao động phải tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nhất là bảo đảm 5K và các biện pháp ứng phó xử lý của ngành chức năng khi phát hiện có ca dương tính trong doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới, thay đổi cách thức sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Theo hướng dẫn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phải chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch/phương án (tổ chức lại sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất, phương án lưu trú, phương án di chuyển của người lao động) và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.

Lê Việt

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật