Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Gần 1.500 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Hà Tĩnh
06:29 PM 25/05/2021
(LĐXH)- Theo số liệu báo cáo từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính đến tháng 4/2021, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn là 1.456 người, những người này chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành, nhà quản lý.
Theo đánh giá, công tác quản lý Nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng hiệu quả, tỷ lệ lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2013 đạt 43,55% (1.383 người/3.250 người), năm 2014 đạt 89,65% (5.411 người/6.036 người), năm 2015 đạt 94,88% (6.177 người/6.510 người), năm 2016 đạt 96,69% (3.011 người/3.114 người), năm 2017 đạt 96,95% (2.130 người/2.197 người), năm 2018 đạt 93,2% (2.032 người/2.181 người), năm 2019 đạt 98,89% (1.871 người/1.892 người), năm 2020 đạt 98,55% (1.435 người/1.456 người).
Lao động người nước ngoài ở Hà Tĩnh chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành, nhà quản lý (ảnh minh họa)
Lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu dần được thay thế bằng lao động có chuyên môn của Việt Nam. Tính đến tháng 4/2021, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh là 1.456 người (chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành, nhà quản lý). Trong đó, số lao động làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng là 1.360 người, chiếm tỷ lệ 93,4% (số lao động có thời gian làm việc trên 01 năm là 1.350 người, số lao động làm việc dưới 01 năm 85 người); số lao động chưa được cấp giấy phép lao động la 21 người (do đang làm thủ tục cấp giấy phép lao động hoặc vào làm việc với thời hạn dưới 03 tháng hoặc không thuộc đối tượng cấp giấy phép lao động).
Theo đánh giá sự phát triển về số lượng lao động nước ngoài, giai đoạn 2016 đến 2019, khi dự án Formosa đến giai đoạn hoàn thành, các nhà thầu rút dần các chuyên gia và lao động kỹ thuật về nước, lao động nước ngoài đã giảm xuống: năm 2016 là 3.114 người, năm 2018 là 2.181 người, năm 2019 là 1.892 người. Đến cuối năm 2020, lao động nước ngoài còn 1.456 người thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là lao động Trung Quốc và Đài Loan (chiếm 95,19% tổng số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh); trong đó, chuyên gia 797 người (chiếm 54,73%), lao động kỹ thuật 533 người (chiếm 36,60%), nhà quản lý và giám đốc điều hành 126 người (chiếm 8,67%).
Lao động nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng và các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu giữ vai trò, vị trí tại một số hạng mục công trình mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, nhất là đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với 631 chuyên gia nước ngoài đang làm việc, chiếm 43,33 % tổng số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thông qua làm việc với các chuyên gia nước ngoài, lực lượng lao động của tỉnh đã tiếp cận, học tập kinh nghiệm, kỹ năng lao động, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để từng bước thay thế dần lao động nước ngoài và giữ những vị trí quan trọng về quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến nay, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà thầu khắc phục tình trạng thiếu hụt chuyên gia, lao động kỹ thuật cao trong bối cảnh đang xẩy ra đại dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các cơ quan chức năng cho phép 41 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được bảo lãnh 1.308 người nước ngoài theo diện ưu tiên được nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về quản lý lao động nước ngoài nên không để xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan đến lây nhiễm dịch Covid-19.
Đối với công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động nước ngoài đã được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng. Từ năm 2015 đến năm 2021, các sở, ngành chức năng đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra đối với các doanh nghiệp, nhà thầu, xử phạt các đơn vị có hành vi vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động hoặc giấy phép đã hết hạn với tổng số tiền 8.710 triệu đồng; trong đó, Công an tỉnh xử phạt các hành vi vi phạm về quản lý, xuất nhập cảnh và lưu trú lao động người ngoài 7.330 triệu đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài 1.380 triệu đồng...
Có thể thấy, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn Hà Tĩnh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Đặc biệt là đối với các sở, ngành chức năng như Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã kịp thời tham mưu cụ thể hóa các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về quản lý lao động nước ngoài.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động