EVFTA: Đáp án cho vấn đề giải quyết việc làm hậu Covid-19?
(LĐXH) Sau 1 năm có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đang mang lại rất những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực cho thị trường lao động Việt Nam khi cung cấp thêm 146.000 việc làm mới mỗi năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Vì vậy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp trong nước thì đây có thể là cứu cánh giúp giải quyết tình trạng dư thừa nhân lực và tạo việc làm cho người lao động bị mất việc trong tương lai gần khi dịch bệnh kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, số lượng việc làm mới sẽ tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030); ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025).
“EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm, mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng 1% so với doanh nghiệp trong nước”, ông Thân cho biết. Như vậy, người lao động không chỉ có cơ hội tìm được việc làm mà có thể nhận được mức lương cao hơn khi làm trong doanh nghiệp FDI.
Tuy lợi thế về mặt lí thuyết là như vậy, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp EU tại Việt Nam, đang phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn, với dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp ở nhiều khu vực trên cả nước mà đặc biệt đầu tàu ở phía Nam đã và đang phải đối mặt với những tác động và thiệt hại nghiêm trọng. Dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.
May mặc là ngành thâm dụng lao động có tiềm năng việc làm lớn do ảnh hưởng từ Hiệp định EVFTA
Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất. Thí dụ ở TP Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc HAWA phải ngừng sản xuất. Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu, mặc dù chỉ có 35% cơ sở (123/449) phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn, số vẫn tiếp tục hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 30% - 40% công suất so thông thường do thiếu nhân công và yêu cầu chia ca kíp.
Việc cắt giảm nhân lực một cách bắt buộc hoặc mất việc do doanh nghiệp phá sản vì dịch bệnh Covid-19 đã khiến người lao động phải tìm kiếm việc làm ở khu vực phi chính thức nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương. Một hậu quả khác là hàng loạt các khu công nghiệp phải đóng cửa hoặc đình trệ sản xuất, khiến các doanh nghiệp FDI có xu hướng rời khỏi thị trường Việt Nam để tìm kiếm các nước có điều kiện đầu tư thuận lợi hơn và ít chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, cũng khiến hàng triệu người lao động có nguy cơ mất việc.
Số lao động phi chính thức quý II.2021 là 20,9 triệu người (57,4%), tăng 1,4 triệu người (1,6%) so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính số lao động trong tháng 7 sẽ tiếp tục tăng. Theo Cục Việc làm, tỷ lệ lao động phi chính thức hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho thấy dịch COVID-19 đã đẩy hơn 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức. Theo TS Vũ Tiến Lộc, để xử lý tất cả các vấn đề về thị trường lao động Việt Nam thì cần rất rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới.
Cần khai thác tối đa lợi thế EVFTA để giải quyết một phần vấn đề việc làm cho các lao động trong doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19
Theo Chủ tịch VCCI, một Hiệp định đặc biệt có hiệu lực vào một thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ đại dịch thế kỷ COVID-19, EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác nữa, như là một trong những động lực và cách thức quan trọng để các doanh nghệp và nền kinh tế hai bên, mà đặc biệt là Việt Nam, cầm cự qua dịch bệnh cũng như lấy lại đà tăng trưởng sau đó. Trong quá trình khai thác tối đa lợi thế EVFTA để khôi phục sản xuất kinh doanh, tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ EU sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cùng nhau vượt qua khó khăn chắc chắn sẽ hiệu quả hơn đi một mình. Cùng nhau hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA sẽ mang lại lợi ích hài hòa, bao trùm và bền vững cho cả hai bên.
Theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA. Ví dụ, các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU. Đây cũng là những ngành tiềm năng đối với thị trường lao động Việt Nam, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam cũng được xem là có nhiều cơ hội bứt phá sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ việc hai bên thúc đẩy thực thi EVFTA.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu và đầu tư, việc thực thi hiệu quả Hiệp định này cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Ngọc Trần
TAG: