Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Duy trì và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới
10:19 AM 28/10/2020
(LĐXH) - Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực trên toàn thế giời cũng như Việt Nam, trong đó thị trường lao động là một trong lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì vậy, việc duy trì và tăng trưởng việc làm trong bối cảnh hiện nay luôn là ưu tiên của Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động.
Tác động của COVID-19 đến thị trường lao động
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam với số lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2020, mặc dù Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng tính chung cả nước vẫn có tới 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó, lao động bị giảm thu nhập là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước với số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 2,50%, tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,0%, mặc dù có giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất 10 năm trở lại đây.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất. Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch giảm 30,4%; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%; ngành xây dựng giảm 14,1%.
 Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, mặc dù tình hình kinh tế cũng như lao động - việc làm gặp khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân trước đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất - kinh doanh được khôi phục. thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. 
Các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh. 
Các hoạt động giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm được duy trì dưới hình thức trực tuyến; đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi đại dịch Covid-19.
Giải pháp duy trì và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới
Theo dự báo, đại dịch COVID-19 mặc dù đã được khống chế ở Việt Nam nhưng vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động của Việt Nam.
Chính vì vậy, để duy trì thị trường lao động trước tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 trong năm 2020; tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa. Trong đó, cần tập trung vào từng nghề mũi nhọn và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, như cung cấp các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ, thực hiện các chế độ giảm, miễn, lùi đóng thuế, phí, tập trung cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính…
Đối với thị trường lao động, cần tập trung các biện pháp hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ tiền lương để khuyến khích doanh nghiệp duy trì và tuyển dụng lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương như lao động nghèo, tay nghề thấp hoặc lao động phi chính thức, lao động di cư, phụ nữ, người khuyết tật,….
Đặc biệt, cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thu nhập, tập trung kết nối việc làm và thúc đẩy tạo việc làm sau đại dịch đối với các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi việc làm thông qua việc hỗ trợ tìm việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động và trợ cấp tìm kiếm việc làm. Tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng theo yêu cầu của lao động bị thất nghiệp thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hoặc tập trung vào các kỹ năng số, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh.
Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu việc làm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều do COVID-19, như du lịch, thương mại, giao thông vận tải,… Hỗ trợ tính thanh khoản cho các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội duy trì hoạt động.
Cần những giải pháp lâu dài để khôi phục và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới
Về dài hạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng vưa lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của dự thảo đề án là thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường lao động; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có sự kết nối các thị trường với nhau, thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự thảo cũng nêu ra 6 mục tiêu cụ thể:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo động lực cho thị trường lao động phát triển.
Hai là, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật. Trong đó, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ trọng việc làm trong ngành nông nghiệp trên tổng số việc làm đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%. Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm tối thiểu đạt 5%/năm. Tỷ lệ nữ giới trong tổng số lao động được tạo việc làm hơn 48%/năm.
Ba là, tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đến năm 2025 hơn 28% và đến năm 2030 là hơn 35%. Trụ cột Kỹ năng đối với các chỉ số trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu (nhóm 60) vào năm 2025 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu vào năm 2030.
Bốn là, giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo. Theo đó, tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-24 không được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp dưới 25% vào năm 2025, dưới 20% vào năm 2030. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên độ tuổi 15-24 dưới 6% năm 2025, dưới 5% năm 2030
Năm là, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động làm trong khu vực phi chính thức.
Sáu là, đầu tư, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, tổ chức giao dịch việc làm. Theo đó, năm 2025 có 80% và năm 2030 có hơn 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo được hướng nghiệp. Năm 2025 có 40% và năm 2030 có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia sự chia sẻ thông tin, dữ liệu liên thông trên toàn quốc và giữa các vùng vào năm 2025 và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.
Dự thảo Đề án cũng nêu ra sáu giải pháp cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh tới hoàn thiện khung pháp lý thị trường lao động, tạo môi trường thông suốt để phát triển thị trường lao động đồng bộ với các thị trường khác. Tiếp đó là các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển cung  - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm; phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; kết nối liên thông thị trường lao động; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động…
Đức Tùng
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật