Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Du lịch Đà Nẵng đang hấp hối giữa “bão Covid-19”
09:07 AM 09/06/2021
(LĐXH) - Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng trong vòng 2 năm qua đã khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp buộc phải dùng đến phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, không có nguồn thu. Đặc biệt, với điểm mạnh về khai thác du lịch, ngành dịch vụ, du lịch của Đà Nẵng đang rơi vào cảnh “hấp hối”...
Trước thực trạng này, Hiệp hội lịch thành phố Đà Nẵng đã đưa ra nhiều phương án và đề xuất giải pháp với chính quyền thành phố nhằm cấp cứu cho doanh nghiệp và gần 40.000 lao động đang trong tình trạng thất nghiệp.
 
Hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa
 
Dọc các tuyến đường du lịch quận Sơn Trà, những con đường dọc ven biển Nguyễn Tất Thành, đường Võ Nguyên Giáp… thuộc thành phố Đà Nẵng những ngày này, không gian nhuốm một màu ảm đạm, người đi đường hay người dân sống quanh khu vực này có thể hồi tưởng đến những  ánh đèn rực rỡ sắc màu trước đây.
 
Nhiều khách sạn lớn không thể gồng mình nổi qua giai đoạn khó khăn này với các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn, phải quay lưng với ước mơ và đối điện thực tế để rao bán “đứa con” tinh thần của mình trên các diễn đàn mạng xã hội. Một số ít khách sạn vẫn còn cầm cự được nhưng luôn trong tình trạng nếu để lâu không thể hoạt động cũng sẽ xuống cấp trầm trọng, khó vực dậy với chi phí bảo trì, sửa chữa lên đến con số khổng lồ sau khi được phép hoạt động trở lại. 
Đường Võ Nguyên Giáp – quận Sơn Trà vắng bóng khách du lịch
 
Bà Nguyễn Ánh Vy – Giám đốc công ty Ánh Vy Travel hoạt động trong lĩnh vưc nhà hàng và du lịch lữ hành cho biết: “Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều đoàn khách về nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Hội An. Sau khi có dịch COVID-19, hầu hết các đoàn khách đều hủy toàn bộ hợp đồng. Cùng với đó, chuỗi nhà hàng “Món ngon 3 Miền” đang hoạt động bình thường ổn định trở lại để cung cấp cho khu du lịch Cocobay cũng phải đóng cửa cho đến thời điểm hiện tại. Mọi thứ liên quan đến ngành du lịch thường được coi như hệ thống dây chuyền, một mắt xích đứt thì toàn bộ hệ thống sẽ bị dừng...”.
 
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố hiện gặp khó khăn chồng chất. Hiện tai, các doanh nghiệp trên địa bàn đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra làm sao, chứ không còn đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động...
 
Sau 4 đợt dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã không còn sức để kháng cự. Theo ông Dũng, Đà Nẵng có hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động thì hiện đã đóng cửa hơn 90%.
 
Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp hội viên, thì có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại tất cả đều đóng cửa, người lao động ngành du lịch nghỉ việc nên cuộc sống còn gặp không ítnhiều khó khăn. Theo thống kê, tổng số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc trên địa bàn thành phố tính đến hết tháng 5/2021 ước khoảng 31.874 người, chiếm 62,5% tổng số lao động du lịch.
 
Nhà hàng 3 miền trong những ngày dịch COVID-19 - Ảnh: BH
 
Cần có giải pháp dài lâu
 
 
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng - Ảnh: BH
 
Cũng theo ông Cao Trí Dũng, để hỗ trợ lao động ngành du lịch chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã và đang có chủ trương hỗ trợ cho mỗi trường hợp vay tối đa 100 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 3-5 năm.
 
Cụ thể, theo ông Dũng, tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố phối hợp Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động ngành du lịch như trên.
 
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đồng ý đề xuất, giao cho các sở ngành liên quan nghiên cứu thực hiện chủ trương cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách. Mục đích khoản hỗ trợ cho vay này nhằm giúp người lao động duy trì cuộc sống trong thời gian mất việc làm, gặp nhiều khó khăn do ngành du lịch liên tục ảnh hưởng đại dịch nặng nề. Khoản thời gian vay từ 3-5 năm được tính toán dựa vào ước lượng thời gian ngành du lịch phục hồi, người lao động lại có việc làm và có thu nhập để hoàn trả khoản vay.
 
Còn về lâu dài, ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, Hiệp hội sẽ đề xuất thêm nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch sớm được tiếp cận vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hiệp hội cũng mong muốn thành phố, các bộ ngành Trung ương, Chính phủ cần có những giải pháp kịp thời, triển khai các gói cứu trợ dành riêng cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như gia hạn, giãn nợ, giảm lãi vay; kích cầu thị trường ngành du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
 
Về phía chính quyền địa phương, tại cuộc họp bàn các giải pháp và phát triển về phát triển du lịch mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu UBND thành phố, sở du lịch và các ban, ngành liên quan tham mưu triển khai sớm các hoạt động kích cầu du lịch; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ chế đặc thù trong kinh doanh, tổ chức hội chợ du lịch quốc tế hằng năm nhằm kích cầu và phát triển ngành du lịch sau khi dịch bệnh kết thúc.
 
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại, trong đó có cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới. Mong rằng, với tính cách bản lĩnh kiên cường của người Đà Nẵng, nói là làm, năng động sáng tạo... Tin tưởng vào một tương lai không xa, mỗi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cần chủ động phối hợp hành động cùng chính quyền để thay đổi phương thức tiếp cận nguồn khách bằng những ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao năng lực, đào tạo kỹ năng nguồn nhân lực, chủ động hợp tác cùng nhiều đối tác đưa thương hiệu lên một bước ngoặt mới.

Với thông điệp nổi tiếng “Thành phố đáng sống”, hi vọng rằng, dù vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhân dân Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng lòng, chung sức, không ngại gian khó, nâng cao quyết tâm sớm đưa thành phố trở lại như trước đây, nơi mà họ luôn tin tưởng và tự hào nói rằng, chúng tôi đang ở "thành phố đáng sống", để cùng đem lại nhiều trải nghiệm tươi mới và hòa nhịp phát triển cùng đất nước.
 
Bảo Hoàng
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật