Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đồng Nai có hơn 529.000 lao động làm việc trở lại
03:39 PM 03/11/2021
(LĐXH)- Tính đến ngày 31/10/2021, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 1.657/1.713 doanh nghiệp sản xuất trong các Khu công nghiệp tập trung hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 97%), với tổng số lao động đang làm việc là 529.181/615.358 người (đạt tỷ lệ 86%).
Số vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 56 doanh nghiệp với 86.177 người lao động vẫn chưa làm việc. Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất bên ngoài các Khu công nghiệp, tỷ lệ hoạt động lại là trên 80%.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai chia sẻ tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với một số địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động vào ngày 3/11.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Thu phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp màn hình) 
Theo đó, qua tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp, các địa phương, đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, việc làm của người lao động, thời gian giãn cách phong tỏa quá dài nên nhiều lao động gặp khó khăn trong cuộc sống đã chủ động chấm dứt hợp đồng để về quê tạo ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên.
Thống kê nhanh tại hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện tại các doanh nghiệp cần khoảng 35.000 lao động để khôi phục hoạt động sản xuất và đáp ứng các đơn hàng bù đắp lại thời gian hơn 3 tháng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như: Công ty Cổ phân Taekwang Vina cần 5.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam cần 2.000 lao động; Công ty Longwell cần 3.300 lao động; Công ty Friwo Việt Nam cần 500 lao động… Như vậy, tình trạng khan hiếm lao động (chủ yếu lao động phổ thông) số lượng lớn sẽ tiếp diễn càng làm cho quá trình khôi phục hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Mộng Thu, cho biết: Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên sau khi Đồng Nai mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ tái bùng phát là rất lớn. Hiện tại, tỷ lệ tiêm ngừa văc xin của Đồng Nai đã bao phủ 100% mũi 1, 65% mũi 2 đối với công dân trên 18 tuổi, song một lượng lớn lao động ngoại tỉnh đã rời Đồng Nai khi quay lại Đồng Nai chưa được tiên văc xin đầy đủ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong tình hình thiếu hụt lao động hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất cần tăng quỹ thời gian làm thêm giờ để kịp thời bù đắp sản lượng để kịp tiến độ giao hàng cuối năm. Tuy nhiên, quy định giới hạn làm thêm 200 - 300 giờ/năm, 40 giờ/tháng trong Bộ luật Lao động cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, các hoạt động di chuyển giữa các địa phương cơ bản đã được khôi phục, nhưng một số địa phương chưa cho phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân, do vậy tâm lý người lao động vẫn e ngại trong việc quay lại Đồng Nai làm việc…
Thông tin về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn, tính đến ngày 1/11, tổng số tiền hỗ trợ mà tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt là 1.838,82 tỷ đồng.
Cụ thể, chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng cho 8.908 đơn vị, tương ứng 627.303 người lao động, tổng kinh phí là 89,91 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, toàn tỉnh đã hỗ trợ 36 đơn vị với 7.543 người lao động, số tiền là 46,83 tỷ đồng.

Người lao động trong các Khu công nghiệp tập trung ở Đồng Nai đã quay trở lại làm việc đạt tỷ lệ 97%

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 1.346 đơn vị sử dụng và 128.435 lao động với kinh phí hỗ trợ là 428,73 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, có 804 đơn vị sử dụng và 150.600 người lao động được hỗ trợ với số tiền là 187,98 tỷ đồng.
Chính sách chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có 60 người lao động được thụ hưởng với số tiền là 249,60 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F0 và F1), tỉnh đã thực hiện chi trả cho 12.649 người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) với số tiền là 14,81 tỷ đồng; 6.859 người cách ly y tế (F1) với số tiền là 8,39 tỷ đồng và 3.365 trẻ em với số tiền là 3,37 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, Đồng Nai đã hỗ trợ cho 31 hướng dẫn viên du lịch với số tiền là 115,01 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, tỉnh đã hỗ trợ 11.975 hộ kinh doanh với số tiền là 35,93 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc người lao động cho 18 doanh nghiệp với số tiền là 9,93 tỷ đồng; hồ sơ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 03 doanh nghiệp với số tiền là 892,26 triệu đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), toàn tỉnh có 674.454 người được hỗ trợ với số tiền là 1.011,68 tỷ đồng.
Thông tin về các chính sách hỗ trợ khác, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Mộng Thu, cho biết: Ngày 14/10/2021, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 4346/QĐ-UBND hỗ trợ 06 nhóm đối tượng khó khăn gồm: người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo (1.500.000đ/người/hộ); người dân đang thuê phòng trọ (300.000đ/người); người thuê phòng trọ phải thực hiện giãn cách xã hội trong các khu cách ly tạm thời và người lang thang trong các khu cách ly tạm thời (120.000đ/người/ngày). Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 618.121 người được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội này, tổng kinh phí trên 296 tỷ đồng, hiện nay các địa phương đang chi hỗ trợ cho các đối tượng…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật