Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
(LĐXH)- Nằm trong khuôn khổ Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” (Dự án Mobile Banking mở rộng), Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã phối hợp với Quỹ Châu Á thực hiện chương trình Giáo dục số trên điện thoại di động dành cho khách hàng.
Ngày 25/11/2024, đoàn công tác của Quỹ Châu Á đã có buổi thăm quan thực địa tại điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, để tìm hiểu hoạt động của NHCSXH, điểm giao dịch xã, và việc triển khai chương trình giáo dục số của chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
Theo bà Ngô Thúy Hằng – Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội có 28 Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã và Hội sở chi nhánh, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Phương thức cho vay chủ yếu tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được Chi nhánh NHCSXH Thành phố thực hiện trên cơ sở Văn bản liên tịch ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp Thành phố, cấp huyện, Hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch của NHCSXH huyện Thanh Oai tại xã Cự Khê
Đến 25/11/2024, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh huy động và quản lý đạt 16.475 tỷ đồng, tăng 2.280 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay các chương trình đạt 16.421 tỷ đồng, tăng 2.261 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có 104.687 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH, trong đó: có 20 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; thu hút, tạo việc làm cho 77.736 lượt người lao động; hỗ trợ vốn cho trên 26.138 hộ gia đình xây dựng mới, cải tạo 52.300 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho vay 47 lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; 90 lượt khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn; 600 lượt hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và 54 khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở chương trình cho vay nhà ở xã hội... Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Chị Tạ Thu Hương nghệ nhân nón làng chuông (người mặc áo đỏ) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác
Chia sẻ với đoàn công tác của Quỹ Châu Á, bà Nguyễn Thị Bắc – Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Oai cho biết: NHCSXH huyện Thanh Oai đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện với dư nợ đến 25/11/2024 đạt 667 tỷ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng giao dịch với ngân hàng, NHCSXH huyện Thanh Oai đã tổ chức 21 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, tổ chức trực giao dịch theo lịch cố định vào các ngày lẻ từ ngày 05 đến ngày 25 hàng tháng. Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn, lãi suất, mức vay của từng chương trình tín dụng tại NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã. Có thể nói, điểm giao dịch tại xã, thị trấn chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.
Đoàn công tác thăm xưởng may của chị Nguyễn Thu Phương, xã Phương Trung
Đoàn đã thăm và làm việc với 02 khách hàng tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai đã tham gia chương trình giáo dục số. Các khách hàng này không chỉ hoàn thành các bài học mà còn áp dụng hiệu quả kiến thức được học vào sản xuất và kinh doanh, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và phát triển bền vững.
Chị Tạ Thu Hương – nghệ nhân làm nón tại thôn Quang Trung, xã Phương Trung, cho biết: sinh ra và lớn lên trên đất làng Chuông huyện Thanh Oai có nghề làm nón truyền thống, chị rất yêu nghề, mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông cha. Được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng chị đã đầu tư nâng cấp cửa hàng, mua thêm nguyên liệu sản xuất nón và duy trì tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động của địa phương. Được trải nghiệm các bài học về giáo dục số chị Hương đã áp dụng các kiến thức về kinh doanh online và bán hàng hàng trực tuyến vào kênh bán hàng trên mạng và mang lại những đánh giá, phản hồi tích cực của khách hàng.
Chị Nguyễn Thu Phương, một thanh niên trẻ tại thôn Liên Tân, xã Phương Trung được tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn và bình xét cho vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Với số vốn được vay, chị đã đầu tư cải tạo nhà xưởng và mua nguyên liệu may mặc. Các mặt hàng quần áo do xưởng may nhà chị thiết kế và may sẵn được khách hàng rất ưa chuộng. Chị không chỉ cắt may theo đơn đặt hàng, bán hàng theo kênh truyền thống mà còn livestream bán hàng online qua mạng. Chị Phương cho biết, nhờ học các bài học do Quỹ Châu Á phối hợp với NHCSXH thiết kế qua Chương trình Giáo dục số, chị đã biết cách phòng tránh các lừa đảo qua mạng; đặc biệt chị rất tâm huyết với bài học về cách quản lý tài chính, quản lý thu chi đối với hộ kinh doanh.
Chương trình giáo dục số là một phần trong nỗ lực của NHCSXH và Quỹ Châu Á nhằm nâng cao hiểu biết tài chính, kỹ năng kinh doanh và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt hướng đến phụ nữ và các hộ gia đình thu nhập thấp.
Thu Hiền
TAG:
Dự án Mobile Banking mở rộng
điểm giao dịch xã
chương trình giáo dục số
chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
xã Cự Khê