Ngày 14/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thuế quan đối với ô tô sẽ được thực thi sớm nhất vào ngày 2/4, động thái này phù hợp với chiến lược định hình lại thương mại toàn cầu của ông, các quan chức nội các sẽ trình lên ông các báo cáo đánh giá về nhiều loại thuế nhập khẩu, để quyết định các chính sách liên quan. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích xuất khẩu ô tô của Mỹ bị đối xử bất công trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa. (AI)
Ông Trump cũng lấy Liên minh châu Âu (EU) làm ví dụ, hiện tại EU đang áp thuế nhập khẩu 10% đối với ô tô, gấp 4 lần mức thuế 2,5% mà Mỹ áp dụng đối với ô tô chở khách nhập khẩu. Tuy nhiên, Mỹ từ lâu đã áp dụng mức thuế cao tới 25% đối với xe bán tải (pickup trucks), loại sản phẩm có lợi nhuận cao nhập khẩu.
Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề cập rằng, thuế nhập khẩu đối với các ngành như dược phẩm (pharmaceuticals) và chất bán dẫn (semiconductor chips) cũng có thể được ấn định ở mức 25% kể từ tháng 4, dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng thuế quan đối với một số sản phẩm trong vòng một năm tới.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là mức tăng thêm so với mức thuế hiện hành. Ngoài ra, trước đó ông đã tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và hàng hóa phi năng lượng nhập khẩu từ Canada, nhưng sau đó đã hoãn thời gian thực thi thêm một tháng.
Hơn nữa, ông Trump cũng đã ấn định ngày 12/3 là ngày chính thức có hiệu lực áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu. Tuần trước, ông còn chỉ đạo đội ngũ kinh tế xây dựng kế hoạch thực hiện thuế quan tương ứng (reciprocal tariffs) đối với tất cả các quốc gia áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, cho thấy chính sách thương mại của Mỹ có thể sẽ tiếp tục bị siết chặt hơn nữa.
Lê Nguyên