Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Điểm tựa của các nạn nhân của tội phạm mua bán người
03:35 PM 16/11/2020
(LĐXH)- Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa, giải cứu thì việc hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người trong thời gian qua cũng được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm. Đã có hàng trăm dự án, chương trình đang được triển khai trên nhiều địa phương để hỗ trợ cho các nạn nhân bị buôn bán đã trở về.
Chị Bùi Thị H. (ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Năm 1999, khi trở về Việt Nam trong tình trạng sức khỏe yếu, tâm thần hoảng loạn, kinh tế gia đình khó khăn. Ngay sau khi được tiếp nhận trở về, chị Huệ đã được Hội Phụ nữ địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho học lớp khâu nón, cho vay vốn để phát triển kinh tế.
Cùng lúc đó, Hội LHPN tỉnh thành lập nhóm Tự lực để chị em bị mua bán trở về có nơi sinh hoạt, chia sẻ. Được sự động viên của Hội Phụ nữ, chị H. tham gia nhóm. Từ đó, thoát khỏi mặc cảm, chị đã xây dựng gia đình. Năm 2014, gia đình chị H. đã thoát nghèo và đạt gia đình văn hóa.   
Chị H. là một trong số rất nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người được trợ giúp từ các mô hình của địa phương. Thống kê cho thấy, trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, An Giang, Lào Cai đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng một số mô hình tại cộng đồng.
Tỉnh Nghệ An tổ chức truyền thông về nạn mua bán người
Trong đó phải kể đến tỉnh Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”; tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương cho nạn nhân bị mua bán trở về”. Các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm Tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh đường biên giới của tỉnh Nghệ An. Các mô hình được thành lập với mục đích hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ bị buôn bán và bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục kỹ năng sống, lưu trú, học văn hóa, học nghề, thăm khám y tế.
Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố, Sở LĐTB&XH một số tỉnh, thành phố đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng một số mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.
Điển hình như thành phố Hải Phòng với mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng". Tỉnh Khánh Hòa với mô hình “Tư vấn nhóm cho nạn nhân bị mua bán và nhóm người có nguy cơ cao tại các địa bàn trọng điểm”. Tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu với mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, người có nguy cơ cao phòng, tránh lây nhiễm HIV”. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Phú Thọ với mô hình “Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”.
Cần nhiều mô hình hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về (Ảnh minh họa)
Từ khi thành lập năm 2010 đến 10/2019, Nhà Nhân ái tại Lào Cai đã tiếp nhận hỗ trợ cho 231 nạn nhân. Trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em (26%), 30 em đang học dở phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng kinh, gia đình khó khăn. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà Nhân ái, có 02 em học Đại học, 01 em học Cao đẳng, 12 em học Trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 34 em học nghề. Đã hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người. Chương trình trao sổ tiết kiệm tạo vốn cho các em đã được hưởng ứng có hiệu quả.
Đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai ổn định.
Các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng đã được các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững, tạo nguồn vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững