Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định: “Địa chỉ đỏ” trên quê hương Đồng Khởi
02:00 PM 25/07/2019
(LĐXH) Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị SG-GĐ từ tháng 7/1969 đến tháng 10/1970. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995.Đây là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Bến Tre tham quan hàng năm.
Cách đây 50 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy SG-GĐ đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng.
Căn cứ Khu ủy SG-GĐ qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những địa điểm di tích thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan hàng năm.
Căn cứ Khu ủy SG-GĐ còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị SG-GĐ, được chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây và Thành An vào thời điểm như đã nêu. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.

Đoàn cán bộ Đảng ủy Cơ quan Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh dự lễ thắp hương tại Di tích Y4,

xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre

Chỉ bằng những vật liệu thô sơ, chủ yếu là sử dụng những thứ có sẵn tại chỗ, các du kích địa phương đã xây dựng 16 hầm nổi và 14 hầm bí mật (phân bố ở hai xã liên hoàn: Tân Phú Tây và Thành An), tất cả được bố trí chặt chẽ để có thể chi viện cho nhau lúc cần thiết. Các hầm nổi là nơi ở, làm việc, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, ban y tế, bộ phận điện đài cơ yếu; ngoài ra, còn có một hầm được đặt tên là “nhà hạnh phúc”, là nơi ở đêm tuyên hôn của các chiến sĩ Y4.
Đến tháng 10-1970, địch đã phát hiện lãnh đạo Khu ủy hoạt động tại xã Tân Phú Tây, chúng đã nhiều lần đổ quân đánh phá nơi đây và các xã lân cận. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã họp lãnh đạo Khu ủy, quyết định rút khỏi vùng căn cứ. Thời gian đóng tại khu căn cứ, lãnh đạo Khu ủy SG-GĐ đã nhận được sự cưu mang đầy nghĩa tình của quân và dân trong toàn huyện.
Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11-1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phục chế lại hai hầm trú ẩn: hầm số 1 là nơi hội họp điện đài cơ yếu và hầm số 2 là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt và sau đó mở rộng khoảng 2ha xây dựng thêm một số hạng mục. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995.
Ông Nguyễn Văn Thôi (Tám Thôi) là một trong những người dân gắn bó với Khu ủy từ những ngày đầu mới về đóng tại địa phương, nhà ông cách di tích Khu ủy không xa. Nay, dù đã bước sang tuổi 79 nhưng ông vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết những ký ức về Khu ủy SG-GĐ. “Tôi là một trong những người đã vinh dự được phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo của Khu ủy. Đó là những người đã hết lòng vì cách mạng, rất gần gũi với quần chúng nhân dân, tuy là các đồng chí hoạt động ở đây không lâu nhưng đã để lại những tình cảm đẹp cho người dân nơi đây. Với Di tích Căn cứ Khu ủy SG-GĐ, tôi thấy rất có ý nghĩa và ngày càng phát huy giá trị”, ông Tám Thôi nhận định.
Theo ông Huỳnh Văn Phết, Tổ trưởng Tổ Di tích Y4, Di tích Căn cứ Khu ủy SG-GĐ là công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với các tầng lớp nhân dân và trở thành một trong những địa điểm về nguồn, tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch của tỉnh. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 5,7 ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó có 30 đoàn trong tỉnh và 65 đoàn ngoài tỉnh cùng một số khách nước ngoài đến từ các nước: Đức, Anh, Thụy Sĩ và Ý. Di tích luôn bố trí người trực và thuyết minh (khi có yêu cầu) suốt 7/7 ngày trong tuần để sẵn sàng phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Hải Uyên
TAG:
Tin khác
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu