UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Việc điều chỉnh này nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với thực tế. Người dân có thể đóng góp ý kiến để thành phố đưa ra mức xử phạt hợp lý, vừa răn đe, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao thông.
![](https://i.ex-cdn.com/vietpress.vn/files/content/2025/02/10/141358img_4253-1413.jpg)
Với dự thảo mới này, anh Nguyễn Công Minh, tài xế khách thường xuyên lưu thông tại Hà Nội, cho rằng mức phạt theo Nghị định 168 hiện nay đã đủ sức răn đe. Anh ủng hộ việc tăng phạt đối với các vi phạm nghiêm trọng như lái xe khi đã uống rượu bia, vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều.
Tuy nhiên, với những lỗi chưa quá nguy hiểm, nếu nâng mức phạt quá cao có thể gây thêm áp lực cho người dân, nhất là khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Anh Minh đề xuất TP Hà Nội nên tập trung cải thiện hạ tầng thay vì chỉ siết chặt chế tài xử phạt.
Ông Nguyễn Trọng Đại (quận Đống Đa, TP Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, ông cho rằng việc tăng mức phạt đối với 107 hành vi vi phạm là quá nhiều, mà chỉ cần tăng mức phạt đối với 50 hành vi nguy hiểm là được.
Chị Lê Anh Tài (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng mức phạt theo Nghị định 168 hiện tại đã khá cao. Nếu tăng gấp đôi, chị lo lắng nhiều người sẽ ngại lái xe vì chỉ một lỗi vi phạm cũng có thể mất cả tháng lương.
“Mức phạt hiện nay đã đủ sức răn đe. Nếu tăng thêm, cần cân nhắc để không tạo áp lực quá lớn cho người dân,” chị Tài bày tỏ.
TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho rằng mỗi người dân đều có trách nhiệm xây dựng Thủ đô văn minh, an toàn. Chấp hành luật giao thông không chỉ là nghĩa vụ mà còn thể hiện ý thức cộng đồng.
Theo ông, vi phạm giao thông không chỉ xuất phát từ mức phạt mà còn do hạn chế trong giáo dục ý thức và quan hệ xã hội. Vì vậy, việc tăng phạt chỉ là biện pháp hỗ trợ, quan trọng hơn vẫn là xây dựng một nền giáo dục giao thông bền vững, nơi người dân tự giác tuân thủ luật và thực hành văn hóa giao thông an toàn.
Ông Tạo đề xuất thay vì chỉ tăng phạt, Hà Nội cần đẩy mạnh giám sát bằng công nghệ hiện đại, như lắp đặt camera, kết hợp quản lý chặt chẽ để nâng cao ý thức tự giác của người dân. Đây cũng là giải pháp hướng đến một Thủ đô xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.
Mức xử phạt cao nhất 120 triệu đồng UBND TP Hà Nội đang đề xuất tăng mức phạt từ 1,5 đến 2 lần đối với 107 hành vi vi phạm giao thông so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Đáng chú ý, 5 hành vi vi phạm có thể bị phạt từ 60 triệu đồng (cá nhân) đến 120 triệu đồng (tổ chức). Các hành vi vi phạm bị phạt nặng chủ yếu liên quan đến việc giao phương tiện cho người khác điều khiển trong khi vượt tải trọng cho phép, đi sai tuyến đường hoặc kéo rơ-moóc quá tải. Thành phố cho rằng những vi phạm này phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn và mỹ quan đô thị, là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Dự thảo nghị quyết này được đề xuất theo Luật Thủ đô năm 2024, cho phép Hà Nội tăng mức phạt cao hơn nhưng không vượt quá 2 lần quy định chung của Chính phủ. Mục tiêu nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân. |
Trịnh Hải