Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Đề xuất Bộ công cụ sàng lọc, phát hiện, xác định nạn nhân bị mua bán trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ
10:43 AM 22/02/2022
(LĐXH)-Ngày 01/7/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo năm 2021 về tình hình mua bán người trên thế giới (Báo cáo TIP) theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 (TVPA), trong đó, đưa ra 12 khuyến nghị đối với Việt Nam. Tại khuyến nghị số 7, Báo cáo TIP có nêu: Chủ động sàng lọc và xác minh nạn nhân bị mua bán trong số những phụ nữ và trẻ em được phát hiện trong các đợt kiểm tra, truy quét của cảnh sát đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Nhận diện những khó khăn
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo thống kê của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát hình sự đã xác định 2.814 nạn nhân (trong đó: 75% từ Trung Quốc trở về; 51,88% nạn nhân được giải cứu; 48,11% nạn nhân tự trở về); Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Bọ Quốc phòng đã bắt giữ, xử lý 193 vụ/259 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 436 nạn nhân. Tiến hành khởi tố hình sự 74 vụ/96 đối tượng về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, trong đó có 23 vụ mua bán người vì mục đích mại dâm; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao xác minh qua cơ quan đại điện ngoại giao, tổng đài bảo hộ công dân và cơ quan chức năng tại nước sở tại, gồm 534 trường hợp khai báo là nạn nhân bị mua bán, trong đó, 362 trường hợp được xác minh là nạn nhân, trong đó, tại Trung Quốc với 295 trường hợp.
Lực lượng Công an các địa phương đã chỉ đạo, tăng cường công tác truy quét ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường,…, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các hoạt động điều tra, khảo sát thu thập thông tin, đấu tranh và xử lý các tụ điểm mại dâm công cộng và khu vực biên giới, cửa khẩu được xử lý quyết liệt hơn. Kết quả, trong 5 năm đã truy quét tại địa bàn công cộng 17.445 cuộc, triệt phá 7.551 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ với 29.171 người vi phạm, trong đó, 16.221 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 4.520 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi.
Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Lao động – TBXH, Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178) của các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 134.052 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (CSKDDV), tăng 10,3% so với giai đoạn 2011- 2015; phát hiện 40.877 lượt cơ sở vi phạm, giảm 2,3% so với giai đoạn trước; xử lý cảnh cáo 13.337 lượt cơ sở, phạt tiền 24.799 lượt cơ sở với tổng số tiền xử phạt 233 tỷ 475 triệu đồng; đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 305 cơ sở, đình chỉ hoạt động kinh doanh 885 và 1581 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Quang cảnh một hội thi tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán người ở Bắc Giang
Tuy nhiên, các đối tượng tội phạm về mại dâm thường “núp bóng” dưới các thủ đoạn tinh vi, hình thành nên những đường dây, tổ chức khép kín, đa dạng nhiều loại hình, ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, sử dụng công nghệ thông tin,… gây nên không ít khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Một số quy định về xử phạt hành vi vi phạm hiện nay tính hiệu quả răn đe không cao nên nhiều đối tượng vẫn tái phạm. Đội kiểm tra liên ngành 178 chưa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã ảnh hưởng đến kết quả phát hiện, xử lý.
Từ thực tế trên cho thấy, các ngành chưa có quy chế phối hợp về phát hiện, phòng ngừa mua bán người trong hoạt động mại dâm tại các CSKDDV có điều kiện nhằm kịp thời sàng lọc, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong số người bán dâm bị phát hiện, xử lý.
Trao đổi về nguy cơ mua bán người tại các CSKDDV dễ phát sinh tệ nạn xã hội, bà Trần Thị Hồng, cán bộ chương trình Tổ chức IOM Việt Nam, cho biết: Các nhóm tội phạm thường sử dụng các hình thức kiểm soát nạn nhân như dùng vũ lực/đe dọa dùng vũ lực, ép sử dụng chất gây nghiện, đóng dấu/xăm hình, tống giam, bạo lực thể chất, tinh thần, giới hạn di chuyển, lao động “gán nợ”/lệ thuộc nợ nần, đe dọa người thân trong gia đình, thỏa thuận với gia đình nạn nhân…
Theo ông Lê Đức Hiền, nguyên Phó Cục trưởng Cục PCTNXH, hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các Công ước của Liên hiệp quốc và luật pháp của Việt Nam về tiêu chí xác định nạn nhân của mua bán người (tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận); các CSKDDV thường là tụ điểm của tệ nạn ma túy, mại dâm. Đây là hình thức kinh doanh “hai trong một” của CSKDDV, vừa thu lợi từ dịch vụ, vừa là nguồn “cung” để đáp ứng “cầu”; đồng thời, các nhóm tội phạm thường sử dụng “chiêu thức” là cho người bán dâm sử dụng ma túy và vay nặng lãi nhằm “cột chặt” họ vào vòng xoáy “ma túy - mại dâm - ma túy”, “vay nặng lãi - mại dâm - vay nặng lãi”... Vì vậy, cái khó nhất ở đây là việc tiếp cận với những đối tượng này do họ bị kỳ thị và chính họ cũng không muốn thừa nhận mình là nạn nhân.
Cần bộ tiêu chí đầy đủ tính pháp lý
Tại Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương: “Xây dựng dữ liệu thống kê tập trung, thống nhất về công tác phòng, chống mua bán người”. Trong đó, Bộ LĐTBXH được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bộ công cụ phát hiện, sàng lọc và xác định nạn nhân bị mua bán trong các CSKDDV có điều kiện qua các đợt kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành 178.
Theo bà Trần Thị Hồng, cán bộ Tổ chức IOM Việt Nam, bộ công cụ với các tiêu chí hướng đến nhận diện nạn nhân của mua bán người thông qua sàng lọc, phát hiện từ các vụ việc/vụ án mại dâm trong CSKDDV. Cụ thể, các đối tượng bán dâm có hoàn cảnh sau thường có nguy cơ là nạn nhân mua bán người: (1) Tuổi tác (những người trẻ tuổi hoặc trung tuổi, kể cả trẻ em) có nhu cầu tìm việc làm; (2) Quê quán (ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa môi trường, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu cơ hội việc làm...); (3) Gia đình (bố mẹ li hôn, mẹ đơn thân, chủ hộ là mẹ hoặc trẻ mồ côi); (4) Giới tính (tùy theo tính chất công việc); (5) Giấy tờ tùy thân (không có hoặc không có quyền giữ giấy tờ tùy thân hoặc sử dụng giấy tờ tùy thân giả); (6) Dân tộc thiểu số hoặc các tôn giáo; (7) Người tị nạn, không quốc tịch...
Với nạn nhân bị bóc lột tình dục: Có sự bảo kê hoặc má mì chăn dắt; ăn mặc không phù hợp với địa điểm/thời tiết; màu sắc trang phục gắn với lao động tình dục; có dấu hiệu bạo lực tình dục/sử dụng chất gây nghiện (như vết bầm tím trên cơ thể, vết tiêm chích, mỏi mệt, lờ đờ); có hình xăm/đóng dấu; làm việc nhiều ngày, không có thời gian nghỉ ngơi; ăn, ngủ, nghỉ tại nơi làm việc; sống và di chuyển theo nhóm; không muốn tiếp cận với người lạ hoặc không có quyền kiểm soát số tiền kiếm được...
Với nạn nhân bị cưỡng bức lao động: Nợ tiền chủ sử dụng lao động; sống với nhiều người ở một nơi có điều kiện tồi tàn, không đảm bảo vệ sinh; không thể tiếp cận các dịch vụ tối thiểu như đồ ăn, quần áo, các vật dụng chăm sóc cá nhân và y tế khác; làm việc nhiều giờ/ngày không nghỉ; bị kiểm soát đi lại và không thể tự do rời đi; có dấu hiệu bạo lực tình dục/sử dụng chất gây nghiện, bạo lực thể chất/lời nói; bị tấn công và đe dọa bằng vũ lực từ chủ sử dụng lao động...
Đối với các CSKDDV: Trang thiết bị/dụng cụ làm việc tồi tàn, thiếu đảm bảo an ninh và an toàn cho người lao động; trang bị quá kỹ càng một cách không cần thiết (như hệ thống an ninh nghiêm ngặt, hàng rào dây thép gai, chó dữ, bảo vệ canh gác suốt ngày…); Không cung cấp được đầy đủ các thông tin hoặc thông tin không nhất quán về người lao động; ít hoặc không sử dụng lao động tại địa phương; giá dịch vụ rẻ bất ngờ...
Cũng cần lưu ý các yếu tố ảnh hưởng khi nhận diện và sàng lọc: nạn nhân thường có tâm lý lo sợ, gây hấn; không có niềm tin và không sẵn sàng hợp tác; không công khai và tách người nghi là nạn nhân với kẻ tình nghi là tội phạm mua bán người; sàng lọc riêng lẻ, từng người một; nhận diện bằng quan sát các chỉ số mua bán người và tiến hành phỏng vấn ban đầu (bảng câu hỏi).
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề: trong số những người lao động trong các CSKDDV, ai thực chất là nạn nhân? Theo thống kê của Bộ Công an, 48% số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài tự trở về, cùng với đó, nhiều nạn nhân bị mua bán trong nước nhưng không biết mình là nạn nhân. Việc sàng lọc, phân loại, xác minh cần phải có bộ công cụ với những tiêu chí cụ thể. Các cơ quan, tổ chức tuyến đầu ở các cấp đều có thể tiến hành sàng lọc, xác minh nạn nhân ban đầu và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xác định và cấp giấy chứng nhận nạn nhân. Đồng thời, xây dựng cơ chế chuyển tuyến đối với người có nguy cơ là nạn nhân và cưỡng bức lao động nhằm đảm bảo họ sẽ nhận được những dịch vụ hỗ trợ phù hợp.
Trường hợp các cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh thì xem xét một trong các yếu tố sau: (a) Người đó được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác; (b) Người đó đã có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi MBN giam giữ, quản lý và bị đối xử như những nạn nhân này; (c) Biểu hiện về thể chất và tinh thần như có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu…; (d) Thời gian người đó rời khỏi địa phương nơi cư trú thì thân nhân của họ trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị mất tích hoặc là đối tượng của một trong những hành vi MBN; (e) Những thông tin hợp pháp khác giúp có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Hiền cho biết, để phát hiện, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong các CSKDDV, các lực lượng chức năng cần phối hợp qua các đợt kiểm tra, thanh tra và vụ án về mại dâm hoặc dựa vào chính nhóm đồng đẳng/câu lạc bộ của người bán dâm, hoặc dựa vào phản ánh của cộng đồng. Về lâu dài, biện pháp căn cơ là sửa đổi luật và bổ sung chức năng cho các lực lượng tham gia, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo quyền con người tốt nhất.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH, Bộ Lao động – TBXH chia sẻ, thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, Cục PCTNXH sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ công cụ sàng lọc, phát hiện, xác minh, xác định nạn nhân, đảm bảo “khung pháp lý” đủ mạnh để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tệ nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thông qua các đợt kiểm tra, truy quét của các lực lượng chức năng./.
Phương Đông
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái