Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Vụ Bản
11:52 AM 08/12/2021
(LĐXH) - Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã được ngành Nông nghiệp và xã Liên Minh huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
 Nhờ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn người lao động có thể tự sản xuất sản phẩm phân phối ra thị trường.
Hiệu quả đào tạo nghề ở xã Liên Minh 
Hiện nay, tại xã Liên Minh (Vụ Bản) có dân số 11 nghìn người, trong đó có gần 7.200 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, xã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, chăn nuôi gia súc; nghề phi nông nghiệp gồm: đan lát thủ công, nấu ăn…
Tính từ năm 2019 đến nay, xã mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 59 lao động. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức lớp học nấu ăn cho 35 học viên; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đan lát thủ công cho 24 lao động. trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Hội Phụ nữ xã đã lựa chọn 20 học viên tham gia lớp tập huấn online “Kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm” do Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Sở khoa học và công nghệ tổ chức.
Chia sẻ với chúng tôi Đồng chí Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết:“Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Đối với nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên có việc làm ngay khi kết thúc khóa học.”
Một số tấm gương tiêu biểu như ông Vũ Hồng Hải, Bí thư chi bộ 12 Ngõ Trang là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu với trên 30 lao động địa phương. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng hóa xuất bán chậm, cơ sở của ông duy trì 10 lao động làm việc thường xuyên. Anh Hoàng Văn Quánh hiện đang làm việc tại cơ sở sản xuất của ông Hải chia sẻ: “Bản thân tôi quanh năm đau ốm và không làm được việc nặng, được sự tạo điều kiện của ông Hải, tôi đã có việc làm ổn định, thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/tháng”. Còn anh Vũ Thế Vinh (43 tuổi) bị bệnh tim bẩm sinh là người đã gắn bó với cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của ông Vũ Hồng Hải từ năm 2005 đến nay cho biết: “Làm việc tại cơ sở, tôi thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Công việc phù hợp với sức khỏe, gần nhà mà vẫn đảm bảo thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng”. Còn ở xóm Hổ Sơn, cơ sở sản xuất đồ gỗ, đồ thờ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo chất lượng mẫu mã sản phẩm mới, vợ chồng chị Nhàn thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng máy móc an toàn cho người lao động. Trung bình hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Liên Minh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 72,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều còn 0,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương.
Những sản phẩm đan thủ công được người làm phân phối ra thị trường.
Vụ Bản nỗ lực thực hiện tốt đề án 1956
Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tranh thủ chương trình Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp nhiều người lao động được học nghề, đào tạo nâng cao tay nghề... Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trước khi triển khai mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng hành nghề và cơ hội việc làm theo ngành nghề của người dân. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề mới cho 14.100 lao động; giải quyết việc làm mới cho 14 nghìn lao động (đạt 115% chỉ tiêu). Nhiều địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt đào tạo nghề cho lao động nông thôn như các xã: Minh Thuận, Minh Tân…
Bên cạnh thực hiện tốt Đề án 1956, mỗi năm, các đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Năm 2020, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh duy trì 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã Hiển Khánh, Cộng Hòa, Liên Minh; Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho 90 hội viên… Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ và chăm sóc bảo vệ cho mạ, lúa và hoa màu, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, màu vụ xuân, thu hút 7.835 người dự nghe.
Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 250 doanh nghiệp và 15 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, cùng hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động. Cùng với những lớp học do các địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn huyện phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều công ty và cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho lao động địa phương nâng cao tay nghề và có thu nhập ổn định. Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Bảo Linh (xã Minh Tân) tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Để đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất, Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân. Công ty TNHH một thành viên May Trường Phát nằm trên địa bàn thôn Trại Kho, xã Minh Thuận tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Công ty tổ chức đào tạo miễn phí từ 10-15 công nhân mới vào làm; mở lớp dạy nâng cao tay nghề cho hàng chục công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất các mẫu hàng mới. Nhờ chủ động trong công tác đào tạo công nhân nên năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo và duy trì ổn định.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác đào tạo nghề, học nghề; làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp sẵn sàng nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục làm tốt công tác liên kết đào tạo với các đơn vị để tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
Lê Minh.
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật