Đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người sau cai nghiện ma túy
(LĐXH)- Đào tạo nghề và tạo sinh kế ổn định cho người cai nghiện là giải pháp nhân văn, quan trọng giúp họ tránh được nguy cơ tái nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng. Trên thực tế, giải pháp này đã và đang được các địa phương triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm phong phú, đặc biệt là việc mở các lớp đào tạo nghề cho học viên ngay tại cơ sở cai nghiện, hướng dẫn vay vốn và tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Xác định được vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với người nghiện, trong những năm qua, Sở LĐTBXH Nghệ An đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các chính chính sách đào tạo nghề gắn với thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó quan tâm hỗ trợ cho cho người nghiện trong quá trình cai nghiện tập trung tại các Cơ sở Cai nghiện trên địa bàn tỉnh.
Các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu của học viên có nguyện vọng, đăng ký học nghề; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu, tổ chức mở các lớp dạy nghề mây- tre đan, trồng trọt, điện dân dụng, hàn, xây và may dân dụng; nhận làm gia công một số sản phẩm thủ công theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và bữa ăn cho học viên… Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho người nghiện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu phát huy hiệu quả.Dạy nghề cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện Yên Bái
Thông tin từ Sở LĐTBXH Trà Vinh cho biết, riêng năm 2023, Cơ sở cai nghiện ma túy phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Châu Thành tổ chức 3 lớp học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng gồm các nghề: Sửa chữa xe gắn máy; sửa chữa tủ lạnh, máy giặt; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, có 81 học viên tham gia học nghề. Qua đó, giúp học viên có nghề nghiệp ổn định, tạo công ăn việc làm, phòng, chống tái nghiện.
Tương tự, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống) hiện đang quản lý trên 750 đối tượng nghiện ma túy. Để giúp các học viên có việc làm khi trở về với cuộc sống đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện, cơ sở này đã đưa nhiều ngành nghề vào dạy cho học viên.
Các ngành nghề hiện thu hút nhiều học viên tham gia như sản xuất gạch không nung; may túi PP xuất khẩu, túi dùng một lần; trồng rau, chăn nuôi, vệ sinh môi trường cảnh quan, nghề mộc... Hoạt động lao động sản xuất ngoài tác dụng rèn luyện tay nghề còn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả trong điều trị, cai nghiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi tái hòa nhập cộng đồng, nhiều học viên còn mang nặng tâm lý tự ti, mặc cảm và rất dễ bị đối tượng xấu lôi kéo tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện vươn lên từ gia đình và xã hội. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tạo cầu nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, giúp các học viên có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, tránh tình trạng tái nghiện.
Do đó, để công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người cai nghiện ma túy đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được tăng cường.
Các địa phương (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm phân công cho các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân thực hiện việc quản lý, giám sát người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương cư trú, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ sau khi có thông báo của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (hoặc các cơ sở cai nghiện).
Cùng với đó, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hoặc gia đình có người sau cai nghiện được hỗ trợ chính sách tín dụng để giúp cho người sau cai nghiện được tiếp cận các nguồn vốn vay để họ có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, phòng chống tái nghiện.
Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để vận động quan tâm tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc; vận động các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người sau cai nghiện ma túy có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn có ý chí vươn lên, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng; tiếp tục duy trì, củng cố và nhân rộng các mô hình quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú./.
Anh Thư